Ông Đào Quang Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh |
Thịt nóng bị buông lỏng quản lý
Sử dụng thịt nóng là thói quen lâu đời của người tiêu dùng nước ta. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây là thói quen tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng.
Do không được bảo quản sau khi giết mổ, thịt nóng được giết mổ thủ công luôn nằm trong tình trạng nhiễm vi sinh vật cao luôn ở mức báo động, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Riêng tại Hà Nội, có tới 7/9 mẫu thịt lấy tại lò giết mổ thủ công bị nhiễm vi sinh vật, cao gấp 2,5 lần so với lò giết mổ công nghiệp.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy, thịt nóng ở môi trường bình thường sau 8 tiếng đã bị ôi thiu. Trong khi đó nếu thịt giết mổ công nghiệp và được làm mát có thể sử dụng ít nhất trong 10 ngày.
Theo ông Đào Quang Vinh Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh, thịt nóng do không qua khâu xử lý làm mát thì các chuyển hoá trong thịt không chuyển hoá thuận mà còn chuyển hoá ngược, khiến thịt phân huỷ rất nhanh.
Điều đáng lo là, theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), còn rất nhiều khoảng trống trong quản lý thịt nóng.
Cụ thể, thiếu các quy định, quy trình về kiểm tra lấy mẫu thịt tươi kiểm tra chất cấm. Sản phẩm thịt bán lẻ tại chợ truyền thống chỉ cần có đóng dấu thú y, không bị quản lý chặt.
Bóp chết ngành giết mổ hiện đại
Không chỉ mất an toàn thực phẩm, thói quen sử dụng thịt nóng của người tiêu dùng đang khiến ngành chăn nuôi, giết mổ hiện đại điêu đứng.
Ông Đào Quang Vinh cho hay, công ty ông đã đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại 70 tỷ đồng, song hiện mới chạy chưa đến 30% công suất.
Theo ông Vinh, dù chi phí đầu tư ban đầu cao, song hiệu quả vận hành dây chuyền giết mổ hiện đại lại tốt hơn nhiều so với mô hình thủ công, đặc biệt, đảm bảo đảm bảo chất lượng kiểm dịch cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm hơn hẳn.
Ông Vinh lấy ví dụ, dây chuyền giết mổ hiện đại mỗi ngày có thể giết 20.000 đầu lợn với 34 nhân công, tổng chi phí nhân công khoảng 6-8 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với giết mổ thủ công thì 1.000 đầu lợn đã cần tới 100 nhân công, tức chi phí cũng bị đội lên rất lớn. Có thể thấy, giết mổ công nghiệp chi phí công thấp hơn và hiệu quả cao hơn giết mổ thủ công.
Tuy nhiên, do thói quen của người tiêu dùng, mà đa phần cơ sở giết mổ hiện đại ở nước ta đều hoạt động chưa hết công suất, không dám đầu tư những dây chuyền lớn, hiện đại…
Cuộc khủng hoảng thịt lợn vừa qua do Trung Quốc ngừng nhập khẩu cho thấy, thói quen tiêu dùng và giết mổ thịt lợn kiểu thủ công đã không còn phù hợp với yêu cầu thị trường.
Theo ông Ngô Trung Thành, Tổng giám đốc Công ty ABC Global đơn vị xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Trung Quốc cho hay, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc vẫn rất lớn, nhưng Việt Nam chưa có hệ thống nhà máy giết mổ và nhà máy cấp đông đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Bên cạnh đó, thị trường nước bạn yêu cầu thịt xẻ, đã được làm lạnh trong khi trong nước, doanh nghiệp, nhà phân phối vẫn có thói quen bán thịt nóng.
Một bất cập nữa là trong khi quản lý thịt nóng khá dễ dãi thì sản phẩm thịt đông lạnh đóng gói lại bị cơ quan quản lý đòi hỏi nhiều thủ tục như: kiểm dịch, phân tích mẫu thịt, phân tích mẫu nước và thức ăn tại cơ sở chăn nuôi…
“Cơ chế quản lý không bình đẳng này đã không khuyến khích được DN làm đầu tư, bài bản”, Ipsard nhận định.