Ảnh minh họa |
Vào thời điểm khoảng giữa năm 2016, giá thịt lợn trong nước bắt đầu có dấu hiệu giảm dần, và đặc biệt giảm sâu từ đầu năm 2017 cho đến nay. Thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Tính đến ngày 28/4, giá thịt lợn hơi tại các trang trại vào khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm nay, tổng sản lượng thịt lợn hơi cả nước đạt khoảng 3,7 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó nhu cầu trong nước đạt khoảng 3,5 triệu tấn, dư cung 200.000 tấn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trước tình hình biến động của thịt lợn, nợ xấu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Hiện tại, tổng nợ xấu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn là 352 tỷ đồng, chiếm 1,2 % tổng dư nợ cho vay chăn nuôi lợn ( 300.000 tỷ đồng ), trong đó tổng nợ xấu thuộc nhóm hộ nông dân và cá nhân là 311 tỷ đồng. Ông Tú cũng cho biết, đối tượng dư nợ chủ yếu là các cá nhân và hộ gia đình, chiếm gần 90% tổng dư nợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình liên kết chỉ chiếm 10%.
Tại cuộc họp nhằm bàn giải pháp giải cứu đàn lợn tồn trong dân chiều ngày 27/04, Bộ Công Thương và các bộ ngành đã cùng thống nhất nguyên nhân chính khiến thịt lợn rớt giá thảm hại là do lượng xuất khẩu lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợn vào Trung Quốc giảm mạnh. Vào thời điểm trước đó, trong năm 2015 và đầu năm 2016, xuất khẩu lợn sang Trung Quốc thuận lợi, người chăn nuôi tăng đàn nhằm tiếp tục xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tại phía Trung Quốc tăng cường giám sát các hoạt động nhập khẩu thịt lợn sang nước này, nhất là các hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới được biết đến là con đường nhập khẩu lợn sống chính của Việt Nam sang Trung Quốc, dẫn đến dư thừa từ việc tăng đàn, tồn trong nước.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn chính của nước ta nhưng cho đến thời điểm này các sản phẩm thịt lợn của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu theo đường chính ngạch vào thị trường nước này. Hiện tại, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực tăng cường đàm phán với các thị trường tiềm năng như Singapore, Philippines...song song với việc đàm phán với Trung Quốc cho phép nhập khẩu thịt lợn vào nước này theo đường chính ngạch, với nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, giảm thiểu số lượng thịt lợn tồn và hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời cũng ra sức kêu gọi người dân trong nước “giải cứu” thịt lợn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các khuyết điểm trong vấn đề quy hoạch chăn nuôi cũng có tác động nhất định khiến giá thịt lợn ngày càng rớt giá. Quy mô chăn nuôi lợn nói riêng và quy mô chăn nuôi của toàn ngành nông nghiệp nói chung đa số là nhỏ lẻ, không theo tiêu chuẩn chăn nuôi, cũng như không có một lộ trình phát triển dài hơi, mà chủ yếu theo kiểu bộc phát mỗi khi có lợi người dân lại đổ xô vào làm mà không tính toán trước, không có sự chỉ đạo quyết liệt từ các ban ngành liên quan, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, khiến sản phẩm thịt lợn của nước ta khó xâm nhập và mở rộng tiêu thụ trên thị trường quốc tế.
Chuỗi chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ thiếu sự liên kết, nên khi có sự thay đổi trong khâu này thì vấn đề hỗ trợ và thay đổi để thích nghi của khâu kia còn chậm chạp, gây lãng phí đáng tiếc không nên có.
Trước đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những cảnh báo đến người dân về xu hướng thị trường tiêu thụ thịt lợn có nguy cơ cung vượt cầu, lợn rớt giá, và những rủi ro trong hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn mà tập trung tái đàn theo phương án hợp lý trong thời gian này.