Lu Qing, một thanh niên 24 tuổi, đã bỏ một xưởng đào tiền điện tử ở thành phố Delingha thuộc khu vực Tây Tạng, để trở về quê nhà tại Giang Tây (Trung Quốc). Anh phải rời khỏi vùng đất cao 3.000 mét so với mực nước biển này vì công việc kinh doanh thất bại, theo Nikkei.
Giá Bitcoin đã mất 80% so với lúc đỉnh, kéo theo hàng loạt đồng tiền ảo khác lao dốc. Dù Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm giao dịch tiền ảo, tác động của nó vẫn rất lớn, đặc biệt với những người trẻ khát khao làm giàu nhanh chóng.
Xưởng đào của Lu có 7.000 máy giữa 2018. Ảnh: Nikkei. |
Những người thợ mỏ tiền ảo kiếm thu nhập bằng cách cho thuê sức mạnh xử lý từ các cỗ máy tính của mình để xác nhận giao dịch. Lu điều hành xưởng khai thác đặt trong một khu công nghiệp, với nguồn điện giá rẻ do một công ty nhà nước cung cấp. Giữa 2018, cơ sở này có 7.000 máy đào, tiếng ồn từ quạt làm mát từ đó phát ra rõ mồn một. Ngoài thu nhập từ thiết bị của mình, Lu còn kiếm thêm bằng cách vận hành máy đào cho người khác.
Khi thị trường tiền ảo đi xuống, xưởng của Lu vẫn đem về lợi nhuận do điện ở đây lấy từ các nguồn năng lượng gió, mặt trời nên có chi phí rẻ. "Tôi muốn mở rộng nhà máy của mình lên 12.000 thiết bị và một ngày nào đó tôi sẽ trở thành nhà đầu tư như George Soros (tỷ phú với khối tài sản hơn 8,3 tỷ USD)", Lu tham vọng.
Tuy nhiên việc kinh doanh của chàng trai trẻ sụp đổ khi Bitcoin từ đỉnh 20.000 USD mất giá xuống chỉ còn dưới 4.000 USD, khiến khách hàng bỏ anh và buộc Lu phải bán hết toàn bộ máy đào.
Tại Hoa Cường Bắc, Thẩm Quyến, một trong những trung tâm mua sắm thiết bị điện tử, nhiều gian hàng trống của các trung tâm thương mại trở trành nơi bán máy đào tiền ảo đã qua sử dụng. Giá của chúng tùy theo mẫu mã nhưng một số thiết bị được bán dưới 59 USD, giảm hơn 70 lần so với mức 4.400 USD lúc mới mua.
Bitcoin mất giá, thiết bị đào cũng lao đốc theo. Ảnh: Nikkei. |
Máy đào tiền ảo cũng là một bong bóng khác đang vỡ. Thiết bị này được xem như một kênh để các nhà đầu tư đổ tiền vào, trả tiền điện vận hành máy để tạo ra lợi nhuận. Máy móc bị các nhà đầu tư bỏ rơi ngay sau khi cơ hội kiếm tiền từ Bitcoin mất dần, khiến giá thiết bị giảm thê thảm.
Bitman, công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất máy đào tiền ảo, cũng bị ảnh hưởng bởi biến động đầy bất ngờ của thị trường. Họ từng tham vọng lên sàn chứng khoán Hong Kong năm ngoái nhưng đã không được chấp thuận. Wu Jihan, nhà đồng sáng lập 30 tuổi của Bitman, có thể sớm phải đối mặt với thất bại đầu tiên của ông.
Không riêng tại Trung Quốc, người đào tiền ảo ở Việt Nam cũng trải qua một năm buồn khi giá Bitcoin liên tục giảm. Lợi nhuận từ mỗi máy đào trị giá khoảng 70 triệu đồng có lúc đạt 20-30% một tháng nhưng hiện chỉ còn vài %. Thậm chí có giai đoạn, doanh thu từ việc đào tiền ảo không đủ trả tiền điện.
Tương tự ở Trung Quốc, giá thiết bị cũng lao dốc không phanh, mất giá tới chục lần. Những máy đào từng được mua với giá 50-70 triệu đồng giờ được giao dịch ở mức 7-10 triệu đồng. Nhiều xưởng khai thác phải phủ bạt, đóng cửa, trong khi những điểm vận hành máy thuê cũng không có khách, thậm chí chủ sở hữu thiết bị phải gán máy để trả nợ tiền điện.