Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: AFP |
"Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến liên quan đến Thụy Điển và Phần Lan, nhưng chúng tôi không có nhìn nhận tích cực (về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO - BTV)", Tổng thống Erdogan nói với báo giới tại thành phố Istanbul hôm 13/5.
Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952 và quốc gia này hiện có lực lượng quân đội lớn thứ hai trong liên minh, chỉ sau Mỹ.
Một điểm cần lưu ý nữa là việc bổ sung thành viên cho NATO phải có được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên hiện nay.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết Washington đang làm rõ quan điểm chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Liên minh quân sự NATO. Theo Reuters, vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng NATO ở Berlin, Đức vào cuối tuần.
Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ liệt các thành viên của Đảng Công nhân Kurd (PKK) đang tá túc tại Thụy Điển và Phần Lan vào danh sách nhóm khủng bố. Thụy Điển và Phần Lan là "nơi có nhiều tổ chức khủng bố", ông Erdogan nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng ám chỉ việc NATO chấp nhận Hy Lạp là thành viên vào năm 1952 là một "sai lầm". Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là đối đầu nhiều năm qua và đã từng chiến đấu chống lại nhau ngay cả khi đang là thành viên NATO.
"Với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi không muốn lặp lại những sai lầm tương tự. Hơn nữa, các quốc gia Scandinavia (một vùng của Bắc Âu) là chỗ trú chân của các tổ chức khủng bố", Tổng thống Erdogan khẳng định. "Họ thậm chí còn là thành viên Quốc hội ở một số quốc gia", ông Erdogan nói thêm. "Chúng tôi không thể ủng hộ được".
Theo đài CNBC, Thụy Điển hiện có 6 thành viên người Kurd đang tham gia Quốc hội, đại diện cho Đảng Tự do, Đảng Dân chủ Thụy Điển, Đảng Dân chủ xã hội, và Đảng Cánh tả.
Trước đó, vào ngày 12/5, các nhà lãnh đạo Phần Lan đã kêu gọi "không chậm trễ" gia nhập NATO và nước láng giềng Thụy Điển dự kiến sẽ có động thái tương tự. Chắc chắn rằng hai quốc gia Bắc Âu sẽ sớm từ bỏ lập trường trung lập lâu nay đối với cả NATO và Nga để ủng hộ việc tham gia liên minh quân sự NATO.
Sự ủng hộ của công chúng Thụy Điển và Phần Lan đối với việc gia nhập NATO đã gia tăng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Phần Lan có đường biên giới khá dài với Nga và Moscow đã cảnh báo sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu Phần Lan trở thành thành viên NATO.
Phản đối sự mở rộng của NATO là một trong những lý do mà Điện Kremlin viện dẫn cho việc mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine - quốc gia đã tìm kiếm tư cách thành viên NATO nhiều năm qua.
Phản ứng trước động thái của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto kêu gọi sự kiên nhẫn và thực hiện quá trình gia nhập "từng bước một".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde bày tỏ tin tưởng rằng nỗ lực trở thành thành viên NATO của đất nước bà sẽ nhận được sự ủng hộ nhất trí từ các thành viên NATO.
Ông Tim Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại Công ty quản lý tài sản Bluebay Asset Management cho rằng Tổng thống Erdogan đang cố gắng sử dụng đòn bẩy với tư cách Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO để nhượng bộ.
"Tôi cho rằng ông Erdogan đang tìm kiếm một số nguồn cung cấp thiết bị quân sự, máy bay chiến đấu tốt hơn, tên lửa phòng thủ", ông Tim Ash nói.
"Nhưng lập trường của ông Erdogan sẽ hoàn toàn không được đánh giá cao ở phương Tây, cũng như ở Ukraine", ông Tim Ash nói thêm.
Đại diện Bluebay Asset Management nhận xét: "Đây sẽ được coi là một dấu hiệu khác của việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn rút khỏi liên minh và sẽ làm gia tăng lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ ra sức thu lợi từ cuộc chiến ở Ukraine bằng cách cung cấp bến đỗ cho các doanh nhân và du khách du Nga".
Căn cứ không quân chiến lược Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ là nơi cất giữ 50 vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ. Một số quan chức Mỹ đã đề nghị loại bỏ số vũ khí này khi căng thẳng giữa Washington và Ankara gia tăng trong những năm gần đây, một phần do mối quan hệ nồng ấm giữa Tổng thống Erdogan với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Ukraine bằng cách gửi vũ khí đến Kyiv, trong đó có máy bay không người lái Bayraktar. Nhưng cho đến nay, Ankara vẫn từ chối chung tay cùng các đồng minh NATO trong việc trừng phạt Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục nhận đón du khách và dòng vốn đầu tư từ Nga. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hồi cuối tháng 3 rằng ông sẽ hoan nghênh các nhà tài phiệt Nga bị phương Tây trừng phạt đến nước này với tư cách là khách du lịch và nhà đầu tư, miễn là mọi giao dịch kinh doanh tuân thủ luật pháp quốc tế. Một số du thuyền của các nhà tài phiệt Nga đã được nhìn thấy neo đậu tại các bến cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, đài CNBC phản ánh.
Ông Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington, nhận xét rằng, Ankara hiện có nguy cơ giống như đồng minh của Nga trong NATO.
"Điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu động lực tích cực mà Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng ở Washington kể từ đầu chiến sự Ukraine thông qua sự hỗ trợ mà nước này dành cho Ukraine, và thậm chí nó có thể làm suy yếu thương vụ mua chiến đấu cơ F-16 (do Mỹ sản xuất) đang được triển khai", ông Soner Cagaptay nhận định.