Thời sự
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Kẻ khóc, người cười
Lê Quân - 22/12/2019 18:28
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 mà Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ sớm ký kết, sẽ có lợi cho Mỹ, nhưng bất lợi cho 2 đồng minh của nước này tại châu Á trong ngắn hạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Dẫn phát biểu của Tổng thống Trump tại Hội nghị Bước ngoặt nước Mỹ (Turning Point USA) tổ chức hôm 21/12 tại bang Florida, hãng tin Reuters cho biết ông chủ Nhà Trắng khẳng định: “Chúng tôi vừa tạo được bước đột phá trong thỏa thuận thương mại (với Trung Quốc) và hai bên sẽ sớm ký thỏa thuận này”.

Trước thời điểm Mỹ dự kiến kích hoạt thêm thuế quan lên hàng Trung Quốc vào ngày 15/12, Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc và các thị trường tài chính chao đảo. Theo đó, Washington hủy bỏ kế hoạch áp thêm thuế quan lên hàng Trung Quốc theo kế hoạch ngày 15/12, còn Bắc Kinh cũng khẳng định không đưa ra biện pháp trả đũa.

Cũng theo thỏa thuận, Mỹ nhất trí gỡ bỏ một số dòng thuế áp dụng với hàng Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc phải cam kết nhập khẩu lượng lớn nông sản Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ được ký vào đầu tháng 1/2020. Khâu dịch thuật thỏa thuận đã được hoàn tất và thỏa thuận đang trải qua một số bước xem xét kỹ thuật trước khi ký kết, ông Mnuchin cho biết thêm.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), bất chấp sự hối thúc công khai nội dung chi tiết trong thỏa thuận với Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn không đưa nội dung thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vào chương trình ưu tiên công tác năm 2020 của Bộ này.

Sau cuộc họp bàn định hướng chính sách cho năm 2020 kéo dài trong 2 ngày trong tuần này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề ra “6 ưu tiên và 1 cộng”, trong đó chỉ đề cập việc xử lý ổn thỏa các tranh chấp thương mại với Mỹ.

Cụ thể, Bộ này cho biết sẽ tập trung vào thực hiện “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, phát triển các khu vực mua sắm dành cho người đi bộ ở các thành phố, cung cấp các thiết bị gia dụng tới khu vực nông thôn, tổ chức triển lãm hàng nhập khẩu tại Thượng Hải vào tháng 11/2020, phát triển các cảng thương mại tự do và giảm nghèo.

Chủ trì buổi họp báo hôm 20/12, Thứ trưởng Trung Quốc Thương mại Wang Shouwen cùng các quan chức khác xác nhận nội dung thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã được thống nhất, nhưng từ chối bình luận việc Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ và chi 40 tỷ USD mua nông sản Mỹ/năm trong 2 năm tới.

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS hôm 22/12 rằng Trung Quốc sẽ chi thêm tối thiểu 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa Mỹ so với kim ngạch nhập nhẩu hàng hóa Mỹ của nước này trước thời điểm xảy ra thương chiến Mỹ - Trung.

Hiện nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu Trung Quốc có nhu cầu hay đủ khả năng “tiêu hóa” hết khối lượng hàng hóa lớn như thế từ Mỹ không và liệu thỏa thuận mua bán giữa 2 bên có đảm bảo quy tắc thương mại toàn cầu không.

Thông tin do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ phát đi cho thấy thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đề ra cơ chế thực thi nghiêm ngặt nếu Trung Quốc không cải thiện các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, tỷ giá hối đoái và tiếp cận thị trường tài chính.

Hai bên đã thống nhất tiến hành gỡ bỏ thuế quan hôm 22/12. Riêng Mỹ cam kết rút lại một số dòng thuế quan hiện áp dụng với hàng Trung Quốc, còn Trung Quốc vẫn chưa khẳng định sẽ có hành động tương ứng. Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn chưa đưa quan điểm về vấn đề này.

Một cựu quan chức Trung Quốc cho rằng không nên suy xét quá nhiều về công bố chương trình ưu tiên công tác của Bộ Thương mại nước này, trong khi phía Mỹ đưa ra nhiều chi tiết cho thấy ông Trump là một người thiếu kiên nhẫn và muốn phô trương sức mạnh.

Ông Huo Jianguo, cựu Chủ tịch Học viện Thương mại và Hợp tác Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định, 2 bên có thể chưa hoàn thành việc cân nhắc các câu chữ trong bản thảo cuối cùng của thỏa thuận. Các cuộc họp báo chính thức đã chỉ ra một thực tế rằng 2 bên đã đạt thỏa thuận, nhưng vẫn còn cả 1 quá trình xem xét bản thảo và một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ cần được khắc phục.

Trong khi các nhà xuất khẩu của Trung Quốc và Mỹ tỏ ra hài lòng với cam kết cắt giảm thuế quan và tăng cường trao đổi thương mại của 2 bên, thì nhiều nhà phân tích cảnh báo sẽ có kiểu hoạt động thương mại bị kiểm soát theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 - một thỏa thuận vốn có vẻ khuyến khích trao đổi thương mại song phương.

“Tôi luôn cho rằng thỏa thuận mà Mỹ đang theo đuổi (với Trung Quốc) bất lợi cho châu Âu cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty đầu tưngân hàng Natixis nói.

Điều cốt lõi trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung là nhiều mặt hàng của Mỹ sẽ có mặt tại Trung Quốc thay vì buộc Trung Quốc cải cách và chuyển hướng hoạt động thương mại. Điều này tốt cho Mỹ trong ngắn hạn, nhưng xấu cho Trung Quốc trong trung hạn; đồng thời bất lợi cho EU và 2 đồng minh tại châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc trong ngắn hạn.

Tin liên quan
Tin khác