Doanh nghiệp
Thoái vốn chưa thông: Bên mua, bên bán còn hờ hững
Anh Hoa - 28/06/2021 10:00
Hằng năm, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đều đưa ra danh sách các doanh nghiệp cần thoái vốn. Nhưng bên mua và bên bán chưa gặp được nhau hoặc gặp rồi hờ hững.
Việc thoái vốn nhà nước tại Vocarimex là nút thắt trong thương vụ sáp nhập Dầu Tường An vào Kido

Làn sóng thoái vốn

SCIC công bố danh sách dự kiến thoái vốn trong năm 2021 với 88 doanh nghiệp, gồm 31 doanh nghiệp giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó có những cái tên quen thuộc có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với vốn điều lệ hơn 6.400 tỷ đồng (SCIC sở hữu 36%); Công ty cổ phần FPT với vốn điều lệ hơn 7.760 tỷ đồng (SCIC sở hữu gần 6%); Tổng công ty Sông Đà với vốn điều lệ gần 4.500 tỷ đồng (SCIC sở hữu 99,79%); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng (SCIC sở hữu 53,49%)...

Năm 2021, dự kiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước là 40.000 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng chậm trễ về thoái vốn, tháng 5/2021, Bộ tài chính đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP, Nghị định 121/2020/NĐ-CP và Nghị định 140/2020/NĐ-CP. Thông tư 36/2021 hướng dẫn nhiều quy định tại Nghị định 140/NĐ-CP, trong đó điều quan trọng nhất là hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp theo giá trị văn hóa, lịch sử.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đề án mới sẽ gắn trách nhiệm của các bộ, ngành cụ thể và chặt chẽ hơn.

Một số tên tuổi mà SCIC chưa có kế hoạch thoái vốn khi mới tiếp nhận hoặc giữ lại theo dự thảo chiến lược như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia... Ngoài ra, có hơn 10 doanh nghiệp khác trên sàn chứng khoán được các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng thoái vốn.

Thực tế thời gian qua, nhóm các mã cổ phiếu trên liên tục phá vỡ các kỷ lục về giá của chính mình. Chẳng hạn, cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang đã có những phiên tăng trần liên tục, thị giá tăng gấp ba trong vòng một tháng qua. Hay cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đã có kể hoạch chuyển sàn và Nhà nước sẽ thoái vốn về dưới 51%.

Đặc biệt, cổ phiếu DDV (Công ty cổ phần DAP - Vinachem) đang được nhiều nhà đầu tư săn đón. Thông tin Vinachem sẽ thoái toàn bộ 64% vốn tại DAP - Vinachem đã kéo thị giá DDV thoát khỏi vùng đáy. Các đơn vị thuộc DAP - Vinachem đủ điều kiện thoái vốn, bao gồm Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam, Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang... Riêng DAP - Vinachem đang được giới đầu tư quan tâm, thì phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, còn nhiều công ty con chưa thoái vốn được do vướng mắc về định giá nhà đất. Riêng DAP - Vinachem đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và Ủy ban đã báo cáo, đang chờ quyết định của Thủ tướng. Về phương án thoái vốn, DAP - Vinachem dự kiến, có thể thoái về dưới 51% hoặc về 0%.

Hiện DAP - Vinachem có thị trường tốt, thương hiệu mạnh, làm ăn có lãi và ngày càng hiệu quả. Lợi thế lớn nhất của DAP - Vinachem là sở hữu cảng nước sâu chuyên dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất tại Đình Vũ, Hải Phòng. Đây chính là điều các “cá mập” đang nhòm ngó, muốn thâu tóm doanh nghiệp này.

Các cổ phiếu trong diện thoái vốn nhà nước có nhiều tiềm năng, theo nhận định của nhiều quỹ đầu tư, sẽ tạo cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thị trường. Khi cơ cấu cổ đông thay đổi, quản trị doanh nghiệp thay đổi, hoạt động doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn, từ đó là nền tảng tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Do đó, khi có thêm các thông tin thị trường về thời điểm, giá thoái vốn, sẽ tạo ra những đợt sóng tăng/giảm đối với các cổ phiếu liên quan.

Hiện thế giới có dòng tiền lớn lên đến 6.000 tỷ USD vì các nước liên tục bơm tiền rẻ để hỗ trợ nền kinh tế. Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn này. Một trong những sức hút dòng tiền ngàn tỷ USD là việc các doanh nghiệp nhà nước đầy tiềm năng đang được lên kế hoạch thoái vốn.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho hay, đại dịch Covid-19 không liên quan đến câu chuyện giá cả của thoái vốn, thậm chí được coi là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, yếu tố quyết định thành công vẫn thuộc về tiềm năng của doanh nghiệp. Bởi thông thường, các “cá mập” đầu tư vào cổ phần nhà nước luôn vì lợi ích tương lai, họ không đổ tiền đầu cơ chờ cổ phiếu tăng nóng kiếm lời.

Ngược lại, thoái vốn, cổ phần hóa có sôi động, thì thị trường chứng khoán có thêm nhiều cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt và quy mô vốn hóa lớn, hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, vấn đề làm sao để đợt “dồn toa” lần này hiệu quả vẫn nằm ở chính các doanh nghiệp.

Những hạt sạn

Tín hiệu lạc quan của bên mua, bên bán đã rõ. Nhưng danh sách thoái vốn của SCIC có thực sự hút được nhà đầu tư “chất” tham gia hay không vẫn là dấu hỏi lớn.

Kinh nghiệm từ việc thu hút vốn nhà đầu tư ngoại tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là ví dụ. Theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, sau khi IPO đầu năm 2018, bán ra gần 8% vốn nhà nước, BSR tiếp tục chào bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ khoảng 43% cổ phần.

Tuy nhiên, do quá thời hạn bán cổ phần cho cổ đông chiến lược (theo quy định là sau 3 tháng IPO phải tiến hành) cộng thêm nguyên nhân diễn biến thị trường từ sau khi IPO có nhiều thay đổi, nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược trở nên khó khăn, dù trước đó BSR được một số nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu.

Đại diện BSR cho rằng, quy định về thời hạn bán cổ phần cho cổ đông chiến lược chưa hợp lý, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc hóa dầu hiện không còn hấp dẫn khiến việc thu hút đầu tư nước ngoài của BRS gặp khó khăn.

Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) cũng là một trong số ít doanh nghiệp năng lượng tại Việt Nam cổ phần hóa vào năm 2018. Ở thời điểm diễn ra cổ phần hóa, doanh nghiệp đã tích cực tổ chức những buổi roadshow trong và ngoài nước, cung cấp thông tin, cũng như mời gọi những nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, những giao dịch có giá trị rất lớn với thời hạn 3 tháng bán cổ phần cho cổ đông chiến lược là tương đối ngắn. Vì vậy, PV Power không kiếm được nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã phải mất gần 5 năm để tìm được nhà đầu tư ngoại. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, Petrolimex chuyển đổi mô hình hoạt động sang doanh nghiệp cổ phần từ năm 2011, sau đó bắt đầu quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để thay đổi cách thức quản trị theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng phải đến năm 2016, Petrolimex mới tìm được đối tác chiến lược là Tập đoàn JXTG (Nhật Bản).

Ngay cả khi đã tìm được nhà đầu tư, thì cũng gặp những rào cản vì quy định. Chẳng hạn, cuối năm 2020, SCIC quyết định thoái toàn bộ 36,3% vốn vốn đang nắm giữ tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Công ty cổ phần (Vocarimex).

Nếu thương vụ diễn ra như kỳ vọng, SCIC sẽ thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Sau 2 lần ế, lần này, có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia là Công ty cổ phần Tập đoàn Kido và cá nhân ông Trần Hoàng Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thương vụ thoái vốn vẫn chưa diễn ra vì vướng nhiều quy định.

Kido hiện là công ty mẹ của Vocarimex, sở hữu 51% vốn. Việc thoái vốn nhà nước tại Vocarimex là nút thắt trong thương vụ sáp nhập Dầu Tường An vào Kido. Chủ trương sáp nhập vào công ty mẹ đã được Dầu Tường An trình Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi giữa năm 2020. Tuy nhiên, đại hội không thể giải quyết được nội dung này, mà sẽ tiến hành đại hội bất thường khi Vocarimex thoái xong vốn nhà nước.

Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, các cổ đông của Kido lại nhắc đến việc này. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT thường trực, kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, việc hợp nhất Dầu Tường An phụ thuộc vào SCIC thoái vốn khỏi Vocarimex do Vocarimex đang sở hữu 26% vốn Dầu Tường An. “Dù không biết được thời điểm SCIC thoái vốn khỏi Vocarimex, nhưng chắc chắn, kế hoạch hợp nhất Dầu Tường An sẽ diễn ra trong năm nay”, ông Nguyên nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Andy Ho cho rằng, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới luôn quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng tuỳ chiến lược từng quỹ. Quỹ lớn thích đầu tư vào những doanh nghiệp có giá trị trên 500 triệu USD, hoặc những công ty có khối lượng thoái vốn lớn, cổ phiếu lớn có thanh khoản, tiềm năng thị trường, cạnh tranh hiệu quả và báo cáo tài chính tốt. Trong khi đó, các nhà đầu tư nhỏ, cá nhân mua số lượng nhỏ hoặc sẽ hợp sức với các nhà đầu tư tổ chức mua theo lô.

Tín hiệu mừng, theo ông Andy Ho, là các nhà đầu tư tư nhân trong nước đã tham gia lộ trình thoái vốn của SCIC nhiều hơn. Điều này giúp SCIC dễ thoái vốn ở những công ty quy mô nhỏ, đồng thời cho thấy nhóm doanh nghiệp tư nhân đã có kinh nghiệm và tiềm lực hơn.

Tuy nhiên, thành công của thoái vốn nhà nước vẫn phải đến từ các bước đi chiến lược bài bản thu hút nhà đầu tư của doanh nghiệp, cũng như quan điểm của Chính phủ về lĩnh vực đầu tư kinh doanh đó.

Tin liên quan
Tin khác