Cụ thể, ngày 7/2/2023, HoSE nhận được công bố thông tin của Tân Tạo về Quyết định số 10/QĐ-HĐQT-Itaco ngày 28/07/2022 thông qua thoái vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Tân Tạo và Quyết định số 16/QĐ-HĐQT-Itaco ngày 30/12/2022 thông qua thoái vốn tại CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo.
Căn cứ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020: “Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Quyết định tham gia góp vốn thành lập, mua để tăng sở hữu trong một công ty dẫn đến Công ty đó trở thành công ty con, công ty liên kết hoặc bán để giảm sở hữu tại công ty con, công ty liên kết dẫn đến công ty đó không còn là công ty con, công ty liên kết hoặc giải thể Công ty con, Công ty liên kết”.
Căn cứ quy định, Tân Tạo đã chậm công bố thông tin 2 Quyết định HĐQT về thoái vốn tại Công ty liên kết.
HoSE nhắc nhở và đề nghị Tân Tạo nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định hiện hành để đảm bảo quyền lợi cổ đông.
CTCP Đầu tư & Phát triển Đô thị Tân Tạo có địa chỉ tại lô 16-18 đường số 2, Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. HCM, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hoa. Công ty được thành lập năm 2001 và hoạt động chính là kinh doanh nhà ở.
Được biết, đầu năm 2022, Tân Tạo ghi nhận sở hữu 38,46% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư & Phát triển Đô thị Tân Tạo, giá trị góp vốn là 189,8 tỷ đồng và ghi nhận đầu tư vào Công ty liên kết. Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, Tân Tạo không còn sở hữu cổ phần tại CTCP Đầu tư & Phát triển Đô thị Tân Tạo.
Theo tìm hiểu, lý do thoái vốn của Tân Tạo là do UBND quận Bình Tân đã không thống nhất việc gia hạn thời gian công nhận chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khu dân cư Tân Tạo - Khu B, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân do CTCP Đầu tư & Phát triển Đô thị Tân Tạo không đủ năng lực thực hiện.
Lỗ kỷ lục 329,83 tỷ đồng trong một quý từ quý III/2006 tới nay
Trong quý IV/2022, Tân Tạo ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 108,93 tỷ đồng, giảm 59,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 329,83 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 89,1 tỷ đồng, tức giảm 418,93 tỷ đồng.
Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, quý lỗ gần nhất của Tân Tạo là quý IV/2022 với giá trị lỗ 10,14 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 quý có lãi liên tiếp, Tân Tạo lại lỗ.
Thêm nữa, theo dữ liệu công bố từ quý III/2006 tới nay, chưa quý nào Công ty ghi nhận lỗ kỷ lục 329,83 tỷ đồng như quý IV/2022.
Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm 423,21 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 126,88 tỷ đồng, tức giảm 550,09 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 96,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 16,95 tỷ đồng, về 0,61 tỷ đồng; lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết tăng 186,1%, tương ứng tăng thêm 3,89 tỷ đồng, lên 5,98 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận dương 3.56 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 37,28 tỷ đồng, tức tăng thêm 40,84 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, việc ghi nhận lỗ trong quý cuối năm 2022 chủ yếu do công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lỗ 329,83 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ trong kỳ chủ yếu do Công ty thực hiện giảm trừ doanh thu 2.142,25 tỷ đồng liên quan tới hợp đồng giữa Tân Tạo và CTCP Phát triển Năng lượng Tân tạo. Công ty cho biết thêm, việc phải thanh lý hợp đồng thuê đất liên quan đến Dự án Kiên Lương, Tân Tạo cho biết điều này là bất khả kháng khi Dự án không thể triển khai.
Với việc ghi nhận lỗ trong quý cuối năm 2022, Công ty đã xóa toàn bộ lãi kiếm được trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, lũy kế năm 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 576,65 tỷ đồng, giảm 38,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 176,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 274,41 tỷ đồng, tức giảm 450,9 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Tân Tạo đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 777,69 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 186,85 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính với việc ghi nhận lỗ tới 176,49 tỷ đồng, Công ty đã không hoàn thành kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành.
Chi tạm ứng 1.457,3 tỷ đồng cho bên liên quan
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Tân Tạo giảm 4,7% so với đầu năm, về 12.645,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 3.154,2 tỷ đồng, chiếm 24,9% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 3.617,4 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.009 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 1.878,3 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.400,4 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng tài sản.
Trong năm, biến động mạnh phần tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn tăng 112,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.669,8 tỷ đồng, lên 3.154,2 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn giảm 58,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.941,8 tỷ đồng, về 1.400,4 tỷ đồng.
Công ty thuyết minh tài sản dở dang dài hạn tăng chủ yếu do ghi nhận 2.221,4 tỷ đồng Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương so với đầu năm chỉ ghi nhận 542,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, đầu tư tài chính dài hạn giảm chủ yếu do Công ty không ghi nhận so với đầu năm là 1.752,7 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo.
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối năm 2022, Tân Tạo có ghi nhận phải thu khác của bên liên quan lên tới 1.457,3 tỷ đồng liên quan chủ yếu là chi tạm ứng. Trong đó, 676,9 tỷ đồng CTCP Đại học Tân Tạo; 230,5 tỷ đồng CTCP Đầu tư Nghiên cứu & Xuất khẩu Gạo Thơm ITA-Rice; 176,9 tỷ đồng CTCP Đầu tư Tin học & Tư vấn Xây dựng Phương Nam; 82,2 tỷ đồng Quỹ ITA Vì tương lai; 81,8 tỷ đồng Trường Đại học Tân Tạo; 73,99 tỷ đồng CTCP Tập đoàn Tân Tạo …
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu ITA tăng 70 đồng lên 3.950 đồng/cổ phiếu.