Tài chính - Chứng khoán
Thoái vốn nhà nước tại 2 công ty công ích đô thị ở Lâm Đồng: Càng đấu giá công khai càng… bế tắc
Nhiệt Băng - 27/07/2021 10:59
Tiến trình thoái vốn nhà nước tại CP cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt và Công ty CP Công trình đô thị Bảo Lộc rơi vào bế tắc trong nhiều năm và hiện chưa có “lối ra”.
Vườn hoa TP. Đà Lạt do Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt quản lý, sử dụng ảnh: nhiệt băng

Ba lần, hai lượt đấu giá công khai

Tính đến nay, Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã lập hồ sơ thực hiện thoái vốn 3 lần. Trong đó, tại lần đầu vào tháng 7/2018, Công ty xây dựng phương án chuyển nhượng vốn nhà nước (kèm theo Tờ trình số 129 ngày 25/7/2018), nhưng việc xây dựng giá khởi điểm chưa căn cứ Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2018).

Cụ thể, thiếu việc thẩm định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê và thời gian chứng thư thẩm định giá cũng hết hạn 6 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực đến ngày giao dịch cuối cùng. Do chưa đầy đủ cơ sở pháp lý để xác định giá khởi điểm đấu giá cổ phần sát với thực tế tại thời điểm thực hiện thoái vốn nhà nước, nên Sở Tài chính đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương xác định lại giá trị doanh nghiệp của Công ty tại thời điểm ngày 30/6/2018 và UBND tỉnh đã chấp thuận tại Văn bản số 5374 ngày 23/8/2018.

Theo Sở tài chính tại Văn bản số 1553 ngày 12/7/2021, Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt và Công ty cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công ích đô thị, nên việc có vốn chi phối của Nhà nước để quyết định các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, nhiệm vụ công ích và tình hình chính trị của địa phương là cần thiết.

Đến lần thoái vốn thứ 2, phương án chuyển nhượng vốn nhà nước của Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt được phê duyệt tại Quyết định số 137/2019/QĐ-UBND ngày 21/1/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, số lượng cổ phần nhà nước thực hiện chuyển nhượng là 1.279.300 cổ phần, tương ứng 22,79% vốn điều lệ thực góp và giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn là 36.800 đồng/cổ phần.

Văn bản số 03 ngày 22/3/2019 về báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt và người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty nêu: “Hình thức chuyển nhượng cổ phần: bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Giá khởi điểm bán đấu giá: 36.800 đồng/cổ phần. Thời hạn đăng ký đấu giá: 25/2/2019 - 7/3/2019”.

Tuy vậy, đến thời điểm kết thúc thời gian làm thủ tục đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc mua cổ phần Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt (ngày 7/3/2019), không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đăng ký. Vì thế, ngày 11/3/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có Công văn số 402 về việc hủy tổ chức bán đấu giá cổ phần của công ty này.

Sau đó, Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã hợp đồng với đơn vị tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2019 nhằm tiếp tục thoái vốn lần thứ ba. Từ đề xuất của Công ty, ngày 22/4/2021, Hội đồng Thẩm định giá đã thẩm định và trình UBND tỉnh Lâm đồng phê duyệt, với mức giá khởi điểm là 152.670 đồng/cổ phần.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc, tính đến nay, đã lập hồ sơ thực hiện thoái vốn 2 lần. Theo phương án chuyển nhượng vốn nhà nước được phê duyệt tại Quyết định số 409/2019/QĐ-UBND ngày 5/3/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng, thì số lượng cổ phần nhà nước thực hiện chuyển nhượng là 162.304 cổ phần, tương ứng 10,42% vốn điều lệ thực góp và giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn là 15.400 đồng/cổ phần.

Tại Văn bản số 38 ngày 10/4/2019 báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc do UBND tỉnh Lâm Đồng sở hữu theo phương thức đấu giá và người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty nêu: “Hình thức chuyển nhượng cổ phần: bán đấu giá công khai tại Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Ngân hàng Đông Á. Giá khởi điểm bán đấu giá 15.400 đồng/cổ phần. Thời hạn đăng ký đấu giá: 22/3/2019 - 4/4/2019”.

Song kết thúc thời gian làm thủ tục đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc mua cổ phần Công ty cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc (ngày 4/4/2019), không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đăng ký. Ngày 5/4/2019, Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Ngân hàng Đông Á có Công văn số 111 về việc hủy tổ chức bán đấu giá cổ phần của Công ty.

Sau đó, Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc đã hợp đồng với đơn vị tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2019 nhằm tiếp tục thoái vốn lần thứ hai. Từ đề nghị của Công ty, ngày 24/1/2021, Hội đồng Thẩm định giá đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt, với giá khởi điểm là 17.620 đồng/cổ phần.

“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”

Sở Tài chính cho rằng, việc đấu giá công khai cổ phần để thoái vốn tại 2 công ty trên đều không thành công, nên tiếp tục được thực hiện chào bán cạnh tranh theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 38, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và phương án đã được phê duyệt: “Trường hợp đấu giá công khai không thành công hoặc thành công, nhưng vẫn còn số lượng cổ phần cần bán để chuyển nhượng vốn nhà nước, thì thực hiện chào bán cạnh tranh”.

Đáng chú ý là, tại thời điểm thực hiện chưa có quy định về thủ tục trình tự chào bán cạnh tranh, nên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có Văn bản số 547 ngày 8/4/2019 về việc hướng dẫn chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức chào bán cạnh tranh theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Trong đó, Sở đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự thủ tục thực hiện chào bán cạnh tranh theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Đến ngày 18/6/2019, Bộ Tài chính có Văn bản số 7039 về việc chuyển nhượng vốn theo phương thức cạnh tranh nêu: “Việc bán cổ phần theo phương thức chào bán cạnh tranh được tổ chức thực hiện tương tự như đối với phương thức đấu giá công khai….”. Song lúc này, chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt và Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc đã quá thời hạn 6 tháng theo điểm c, khoản 1, Điều 38, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt có hiệu lực từ ngày 20/11/2018 đến ngày 20/5/2019. Chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc có hiệu lực từ ngày 28/11/2018 đến ngày 28/5/2019.

Ngày 14/8/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 5089 thống nhất thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt và Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc để tiếp tục thoái vốn là ngày 31/12/2019.

Sau đó, 2 công ty đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm để thoái vốn với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2019. Sau khi họp Hội đồng Thẩm định giá trị doanh nghiệp xác định giá khởi điểm để thoái vốn, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm để thoái vốn của 2 công ty tại Tờ trình số 05 ngày 14/1/2021 và Tờ trình số 39 ngày 22/4/2021, với giá khởi điểm của Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt là 152.670 đồng/cổ phần và giá khởi điểm của Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc là 17.620 đồng/cổ phần.

Giá khởi điểm để thoái vốn của 2 công ty trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành cao hơn nhiều so với giá trị đang giao dịch trên sàn UPCoM. Cụ thể, mệnh giá cao nhất một cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đang giao dịch trên sàn UPCoM là 21.300 đồng/cổ phần, nhưng chỉ có 10 nhà đầu tư tham gia mua. Mệnh giá cao nhất một cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Bảo Lộc đang giao dịch trên sàn UPCoM là 10.300 đồng/cổ phần và chưa có nhà đầu tư tham gia mua.

“Từ những khó khăn khách quan nêu trên, trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt, thì sẽ không hấp dẫn và thu hút được các nhà đầu tư mua cổ phần”, Sở Tài chính nêu.

Có tiếp tục thoái vốn?

Tại biên bản cuộc họp ngày 28/6/2021 do Sở Tài chính tổ chức, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. Bảo Lộc thống nhất đề xuất dừng thoái vốn tại 2 công ty trên. Đây cũng là ý kiến của người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc: “Là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công ích đô thị, nên việc có vốn chi phối của Nhà nước để quyết định các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, nhiệm vụ công ích và tình hình chính trị của địa phương”.

Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho rằng, việc thoái vốn nhà nước tại công ty này rất khó thực hiện do giá khởi điểm đấu giá cổ phần chêch lệch quá lớn so với giá trị đang giao dịch trên thị trường. “Trường hợp không thực hiện thoái vốn nhà nước nữa thì sẽ rất thuận lợi cho Công ty trong quá trình hoạt động cũng như phát triển doanh nghiệp, đồng thời không tốn kém thêm chi phí thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và thực hiện đấu giá cổ phần”, biên bản cuộc họp ngày 28/6 thể hiện ý kiến của người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt.

Theo người đại diện này, đến thời điểm hiện nay, tổng chi phí thực hiện thoái vốn khoảng 450 triệu đồng và nếu tiếp tục thực hiện thì dự kiến chi phí sẽ thêm khoảng 900 triệu đồng. Vì vậy, Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt kiến nghị không tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại Công ty, vì không thể thực hiện thoái vốn thành công do điều kiện thực tế không thể đấu giá thành công cổ phần.

Còn theo ý kiến của người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Công trình đô thị Đà Lạt, khi thực hiện công tác thoái vốn, giá cổ phần trên sàn giao dịch của Công ty cao nhất là 10.300 đồng/cổ phần, thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm khi xác định tại thời điểm 21/12/2019.

Ngày 12/7/2021, tại Văn bản số 1553, Sở Tài chính thống nhất với các sở, ngành và người đại diện phần vốn nhà nước tại 2 công ty trên báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ dừng việc thực hiện thoái vốn nhà nước với 2 đơn vị hết năm 2022 để rà soát, sắp xếp thoái vốn khi có quyết định của Thủ tướng.

“Trường hợp UBND tỉnh đồng ý theo đề xuất nêu trên, đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Sở Tài chính đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác