Không để “gái đẹp ế chồng”
Theo kế hoạch do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố mới đây thì 3,3% cổ phần của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được chào bán sắp tới nằm trong số cổ phần chưa bán hết của đợt chào bán cuối năm ngoái. SCIC dự kiến thu về ít nhất 7.000 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.
Còn nhớ, vào tháng 10/2016, thị trường sôi sục trước thông tin SCIC lần đầu tiên thoái 9% vốn tại Vinamilk sau nhiều năm nắm giữ, vì cổ phiếu VNM của Vinamilk vốn được đông đảo nhà đầu tư nước ngoài yêu thích. Tuy nhiên, khi phiên đấu giá chính thức diễn ra vào tháng 12/2016, SCIC chỉ bán được 5,4% cổ phần cho cổ đông lớn Fraser & Neave.
Dây chuyền sản xuất của Vinamilk. Ảnh: Lê Toàn |
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, trong đợt chào bán sắp tới, SCIC sẽ rút kinh nghiệm như thế nào? Theo phân tích của các chuyên gia về đợt thoái vốn tháng 12/2016, SCIC đã mắc một số sai lầm như tổ chức chào bán trùng với kỳ nghỉ lễ Giáng sinh của phương Tây, giá chào bán là 144.000 đồng/cổ phiếu - cao hơn hẳn thị giá khi đó. Ngoài ra, nhà đầu tư phải đặt cọc 10% và thời gian chào bán gấp gáp cũng khiến các nhà tư vấn không kịp xây dựng phương pháp dựng sổ (book-building) theo chuẩn quốc tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích của Công ty Chứng khoán Sacombank cho biết, SCIC nên rút kinh nghiệm từ những sai sót lần trước, chủ động thay đổi phương thức chào bán, như công bố sớm các chi tiết trong kế hoạch chào báo, định giá, phương thức bán. Việc này sẽ đảm bảo các nhà đầu tư tổ chức có đủ thời gian tham khảo và đưa ra quyết định.
“Giá chào bán năm ngoái được xem là cao, nhưng VNM là một trong những cổ phiếu tăng trưởng ổn định nhất thị trường về dài hạn. Thị giá VNM hiện nay tăng trưởng khả quan so với năm ngoái là một thuận lợi cho SCIC khi đưa ra giá chào bán sắp tới. Nếu giá đấu có cao hơn thị giá một chút thì cũng phù hợp với một cổ phiếu tăng trưởng đều như VNM và vẫn đủ sức thu hút nhà đầu tư”, ông Khanh bày tỏ quan điểm.
Theo bà Đào Nguyễn, chuyên viên phân tích cấp cao tại Công ty Chứng khoán Bản Việt, SCIC sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nếu áp dụng phương pháp dựng sổ, vốn đã được một số doanh nghiệp trong nước như Vietjet, Novaland hay VPBank sử dụng khi gọi vốn ngoại.
“Dựng sổ sẽ giúp SCIC hiểu được mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến đâu để đưa ra mức giá phù hợp. Nhà đầu tư được chủ động hơn trong việc quyết định giá mua và đặc biệt là không phải đặt cọc 10% như hình thức đấu giá”, bà Đào cho hay. Tuy nhiên, khó khăn là hành lang pháp lý cho phương thức dựng sổ tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện.
Nhận diện người mua
Nhiều khả năng giá chào bán của đợt chào bán sắp tới sẽ cao hơn thị giá, nên các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là cuộc chơi dành riêng các nhà đầu tư tổ chức, còn nhà đầu tư cá nhân chỉ cần mua cổ phiếu qua sàn.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, số cổ phần được chào bán sắp tới là khá ít, một số nhà đầu tư tổ chức lớn có thể mua được toàn bộ. Ngoài ra, việc SCIC định hướng sẽ tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Vinamilk trong thời gian tới cũng sẽ khiến các tổ chức có ý định thâu tóm phải suy nghĩ lại chiến lược.
Còn bà Đào Nguyễn thì cho rằng, lượng cổ phiếu chào bán nhiều hay ít không quan trọng bằng cách thức SCIC tổ chức đợt chào bán. Nếu phương thức chào bán có nhiều thay đổi so với đợt tháng 12/2016, thì nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vẫn sẽ hào hứng tham gia.
Trong báo cáo mời đây, chuyên viên phân tích Jonathan Seow của Ngân hàng CIMB (Singapore) cho biết, Fraser & Neave (F&N) vẫn đang “ngấp nghé” ý định mua thêm cổ phần của Vinamilk từ tay SCIC. Vì thế, doanh nghiệp này sẽ theo dõi sát sao đợt thoái vốn sắp tới và có khả năng tiếp tục tham gia cuộc chơi.
“F&N từ lâu đã công khai ý định tăng sở hữu tại Vinamilk. Hiện nay, sau đợt mua tháng 12/2016 và mua thêm trên sàn sau đó, nhà đầu tư này đang sở hữu 18,74% cổ phầm của Vinamilk và nhiều khả năng sẽ tiếp tục săn đón lượng cổ phần lớn từ SCIC”, ông Seow nhận xét trong báo cáo.