“Hàng” lên kệ
Trong tháng 8/2017, danh mục doanh nghiệp sẽ thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2017-2020 sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu trực tiếp Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc này. Đặc biệt, danh mục này sẽ phải được phân theo từng năm, buộc phải hoàn thành đúng hạn ngay cả khi TP.HCM không hoàn tất danh mục của mình trong trung tuần tháng 7 như đã cam kết.
Tại Habeco, Nhà nước nắm giữ 81,79% vốn điều lệ và dự kiến sẽ bán hết phần vốn nhà nước ngay trong năm 2017. |
“Nếu TP.HCM chưa xong danh mục các doanh nghiệp thoái vốn trong giai đoạn này thì có thể để lại, quyết định riêng”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Cùng với danh mục doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn, thuộc diện sắp xếp lại theo các hình thức đã được công bố theo Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg (về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020), danh mục 730 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, từ tháng 8/2017, có thể nói “hàng” đã được xếp lên kệ một cách đầy đủ, với các chủng loại rõ ràng.
Cũng trong tháng 8/2017, văn bản sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp cũng được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thành, trình Chính phủ ban hành.
Điểm đáng để tâm của Dự thảo mới nhất, là sẽ bổ sung quy định sẽ đấu giá công khai khi thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, bao gồm đấu giá thông thường hoặc đấu giá theo lô. Có nghĩa, cách thức bán vốn theo phương thức thỏa thuận sẽ bị giới hạn với những điều kiện nhất định, tăng bán theo hình thức chào bán cạnh tranh và đấu giá công khai (cả bán vốn theo lô).
Khi bàn về quy định đang được dự thảo, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, cách bán mới tạo sự thông thoáng, nhưng đảm bảo chặt chẽ cho hoạt động thoái vốn, tránh gây bất minh, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước như thực tế đã từng xảy ra.
Cơ hội dậy sóng
Nhưng ở góc độ thị trường, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tin rằng, lượng hàng được công bố và cách bán hàng mới sẽ làm “thị trường dậy sóng”. Thậm chí, khoản tiền thu được trong các thương vụ này sẽ lớn hơn rất nhiều con số 250 tỷ USD mà ông Cung và cộng sự đã từng tính toán trước đó khi nói về khoản tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
“Tôi tính, chỉ riêng tập trung thoái vốn nhà nước tại các công ty đại chúng đã niêm yết, đảm bảo đến năm 2020, ít nhất tổng giá trị cổ phiếu giao dịch đạt khoảng 15% GDP. Sóng của thị trường sẽ bắt đầu từ các doanh nghiệp này, vì có thể thực hiện được ngay, với giá thị trường, không phải vướng mắc các thủ tục phức tạp như nhiều doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa”, ông Cung lý giải.
Cũng phải nói lại, những chậm trễ trong cổ phần hóa 6 tháng đầu năm 2017 vừa qua được cho là có nguyên nhân chủ quan từ chính các đại diện chủ sở hữu. Cả 6 tháng mới hoàn tất được 6 trong kế hoạch 45 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2017.
Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính, khi báo cáo về vấn đề này cho rằng, tư tưởng nhiều bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty có ý chờ thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu, nên chậm triển khai cổ phần hóa. Dù ông Hiếu đã bày tỏ quan điểm sẽ không chấp nhận tư tưởng này, song phải thẳng thắn, công việc dồn vào cuối năm rất lớn, khả năng thúc tiến độ không dễ khi tư tưởng và trách nhiệm trong thực hiện cổ phần hóa vẫn đang là rào cản chính.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, nhiều doanh nghiệp đang trong danh sách cổ phần hóa trong giai đoạn tới là những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu lớn, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi đó thời gian quy định từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho tới thời điểm IPO ngắn, chỉ là 18 tháng (trường hợp đặc biệt được Thủ tướng chính phủ kéo dài, thì cũng chỉ được tối đa là 24 tháng).
Do các doanh nghiệp này quy mô lớn, phạm vi và hoạt động rộng, ngành nghề kinh doanh đặc thù cao, phải thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp bởi Kiểm toán Nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp nên khoảng thời gian trên thường không đủ.
Trên thực tế, thời gian còn lại để tìm kiếm cổ đông chiến lược khi xây dựng phương án cổ phần hóa chỉ còn từ 6-9 tháng, là hạn chế rất lớn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có cơ hội tìm hiểu, đánh giá, đàm phán việc mua cổ phần…
Các yếu tố trên khiến không khí cổ phần hóa hiện tại khó sôi động như vài năm trước. Như vậy, nếu chỉ tập trung thoái vốn từ các doanh nghiệp đang cổ phần hóa, có thể tiến độ thoái vốn và nhu cầu vốn từ khu vực này sẽ khó đạt kỳ vọng.
Cách đây hơn 1 tháng, khi được góp ý kiến cho các dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn tới, ông Cung đã nhắc tới khoảng 4.000 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, còn vốn nhà nước cần phải thoái, trong đó cả cả doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết, với đề xuất tập trung thoái vốn nhà nước ở khu vực này.
Về nguyên tắc, các doanh nghiệp đã hoàn tất cổ phần hóa từ nhiều năm trước đại bộ phận thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ vốn, không cần chi phối, đã hoạt động theo hình thức công ty cổ phần nhiều năm, nên việc thoái vốn sẽ thuận lợi. Thuận lợi hơn cả là khoảng 1.000 doanh nghiệp trên sàn UpCom và khoảng 400 doanh nghiệp trên 2 sàn HNX và HOSE.
“Tỷ lệ vốn nhà nước tôi thấy trong nhiều doanh nghiệp chỉ khoảng 15-20%. Nếu bán đi, không cần thủ tục định giá hay kỹ thuật gì khác, vì hoàn toàn thực hiện theo giá thị trường. Trong khi tiến độ cổ phần hóa đang vẫn chậm, cách làm này sẽ tạo cú huých cho thị trường. Tôi tin là các dòng vốn sẽ đổ vào đây và nhà nước sẽ thu được khoản tiền đáng kể dành cho đầu tư phát triển”, ông Cung nói.