Doanh nghiệp
Thời đại 4.0 - cơ hội hay thách thức với việc làm?
Quang Hưng - 27/10/2019 10:51
Thời đại công nghệ 4.0 sẽ mang đến cơ hội hay thách thức đối với thị trường việc làm tại Việt Nam? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần Nguồn nhân lực King Broker, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Việc làm (Job Festival 2019), sự kiện sẽ được tổ chức tại Trường đại học Thương mại (Hà Nội) trong 2 ngày ngày 26 - 27/10 sắp tới.
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần Nguồn nhân lực King Broker, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Việc làm (Job Festival 2019).

Ông đánh giá thế nào về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới thị trường lao động hiện nay? Lao động thuộc ngành nghề hay lĩnh vực nào sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng này?

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0, nghe có vẻ rất vĩ mô, nhưng trên thực tế, chúng ta đang trải nghiệm rất nhiều sản phẩm của cuộc cách mạng này. Chẳng hạn, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán trực tuyến, sống trong căn hộ thông minh, phẫu thuật bằng robot…

Sự xuất hiện và thay đổi liên tục của các sản phẩm công nghệ mới như smartphone, máy tính bảng hay các ứng dụng trên nền tảng Internet đã thay đổi thói quen của từng người, đặc biệt là đối với thị trường lao động nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng.

Việc chuyển đổi từ thâm dụng lao động sang thâm dụng trí tuệ, tri thức, khoa học, sáng tạo… giúp gia tăng hiệu quả làm việc, nhưng cũng khiến thị trường việc làm biến chuyển tương đối lớn, khi rất nhiều người sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Hiểu một cách đơn giản, khi máy móc thay thế con người, số lượng lao động chân tay chắc chắn sẽ giảm đi khá lớn. Theo nhiều nghiên cứu công bố gần đây, sẽ có tới 70% vị trí công việc bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Khi thâm dụng về trí tuệ, tri thức, khoa học, sáng tạo…, sẽ đòi hỏi thêm những việc làm mới với những yêu cầu cao hơn về chất lượng của lực lượng lao động.

Điều đó có nghĩa, muốn tránh rơi vào cảnh thất nghiệp, thì nhân sự cần phải có trình độ chuyên môn cao hơn và sở hữu nhiều kỹ năng mềm hơn. Đương nhiên, giá trị về thu nhập chắc chắn cũng cao hơn.

Trước thực tế đó, ông nhận định thế nào về khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực trong nước và Việt Nam cần chuẩn bị những gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0?

Người Việt Nam có nhiều điểm mạnh về sự chịu khó, quyết tâm. Tuy nhiên, thực tế khi tiến hành tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, nhiều bạn trẻ hiện nay dù có chuyên môn rất tốt, nhưng lại hạn chế về kỹ năng tổ chức công việc, làm việc nhóm, khả năng giao tiếp cũng như khả năng chịu áp lực cao về cường độ công việc.

So với trước đây, các trường đại học đã bổ sung thêm rất nhiều chương trình để giúp rèn luyện dần khả năng cho sinh viên. Tuy nhiên, việc tiếp cận nâng cao khả năng, kỹ năng của người lao động vẫn phải từ phía người lao động, đặc biệt là thái độ và trách nhiệm cho các công việc tương lai. Khi đó, họ sẽ chủ động hơn trong việc chuẩn bị hành trang bước vào đời.

Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống các trường đào tạo trong nước cần gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng được yêu cầu trên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đây cũng là điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh. Bởi lẽ, một mặt, cách mạng công nghệ tạo thách thức cho những ứng viên, nhưng mặt khác, cũng tạo thách thức cho cả doanh nghiệp khi tuyển dụng.

Các ứng viên ngày nay ý thức được rằng, cùng một vị trí công việc, có rất nhiều nhà tuyển dụng đang chào đón họ. Vì vậy, họ chọn lọc và cân nhắc rất kỹ về “ông chủ” tương lai của mình. Do đó, nếu nhà tuyển dụng luôn cố gắng đi tìm ứng viên hoàn hảo, trong khi ứng viên hoàn hảo đó đang có rất nhiều sự lựa chọn, đồng nghĩa với việc, nhà tuyển dụng có thể bị ứng viên “bỏ rơi” bất kỳ lúc nào.

Điều này cho thấy, trong môi trường toàn cầu ngày nay, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một loạt thách thức như thay đổi trong lĩnh vực công nghệ, sự đa dạng văn hóa... Những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải thích nghi, bắt đầu từ việc xây dựng một hệ thống tuyển dụng hiệu quả để tìm được những ứng viên phù hợp, giúp công ty hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng.

Tin liên quan
Tin khác