“Đây là thời điểm rất tốt để đi vay, bởi lãi suất trên thị trường vốn quốc tế khá thấp, mức độ tín nhiệm của Việt Nam được cải thiện”, TS. Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bình luận.
TS. Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
Thưa ông, đợt phát hành 1 tỷ USD TPQT đầu tháng 11/2014 có thể đánh giá là thành công?
Có thể nói là rất thành công. Cụ thể, ban đầu, Bộ Tài chính dự kiến phải huy động với lãi suất cố định 5,125%/năm đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, nhưng cuối cùng, chỉ phải trả với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất 6,875%/năm và 6,755%/năm mà Bộ Tài chính đã từng huy động vào các năm 2005 và 2010, nhờ đó tiết kiệm được 32,5 triệu USD.
Điểm thành công nữa là, trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành rất hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế. Bằng chứng là, có tới 437 nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu với tổng giá trị lên tới 10,6 tỷ USD, gấp hơn 10 lần khối lượng phát hành.
Nhờ sự hấp dẫn của TPQT, Bộ Tài chính đã hoán đổi lại được một lượng trái phiếu phát hành năm 2005 và năm 2010, không chỉ tiết kiệm được 13,9 triệu USD, mà còn góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ.
Tôi cho rằng, trong điều kiện thị trường vốn quốc tế đang diễn biến rất thuận lợi, trong thời gian tới, Bộ Tài chính nên tiếp tục phát hành TPQT để chủ động tái cơ cấu danh mục nợ công hiện hành.
Nhưng liệu TPQT có tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư không, khi mà giá dầu thô giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thu ngân sách nhà nước - nguồn để trả nợ vay - trong năm 2015 và có thể còn kéo dài nhiều năm nữa?
Dầu thô đóng góp rất quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, nhưng ngày càng giảm dần, từ chỗ chiếm khoảng 25% tổng thu hiện chỉ chiếm gần 10% (năm 2015, theo dự toán, dầu thô chỉ đóng góp 93.000 tỷ đồng/911.100 tỷ đồng tổng thu ngân sách). Số thu ngân sách từ dầu thô năm 2015 có thể giảm, nhưng nhờ giá dầu giảm mà ngân sách sẽ tăng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Khi quyết định đầu tư vào trái phiếu, nhà đầu tư không chỉ căn cứ vào số thu ngân sách của quốc gia phát hành, mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự đánh giá của các tổ chức định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới.
Cụ thể là gì, thưa ông?
Năm 2014, các tổ chức định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới là Fitch Ratings và Moody’s đã nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc từ B+ lên BB- và từ B2 lên B1 khi cho rằng, hệ thống ngân hàng đã qua thời kỳ khủng hoảng, nợ xấu giảm mạnh; tiềm lực tài chính của ngày càng vững mạnh, đặc biệt là lượng dự trữ ngoại hối hiện đã lên đến 35-38 tỷ USD; cán cân thanh toán quốc tế bảo đảm…
Đây là một trong những lý do quan trọng khiến TPQT của Việt Nam hấp dẫn.
Nếu năm nay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, cùng với việc hàng loạt luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, thuế có hiệu lực, thì cơ hội huy động vốn trên thị trường quốc tế còn thuận lợi hơn nữa, vì môi trường kinh doanh được cải thiện, tiềm lực tài chính gia tăng, thị trường tiếp tục rộng mở…
Nhà đầu tư quốc tế rất muốn biết số tiền họ đầu tư được sử dụng vào việc gì, có hiệu quả không. Nếu tiền cho vay mà được sử dụng kém hiệu quả thì chắc gì nhà đầu tư đã quan tâm?
Huy động vốn qua phát hành TPQT là quan hệ tín dụng thông thường, không bị ràng buộc bất cứ điều kiện gì như vay ODA, miễn là người vay trả được nợ. Nhà đầu tư bỏ tiền mua trái phiếu nói chung tương tự như gửi tiền vào ngân hàng, họ chỉ biết ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả nợ cả gốc lẫn lãi đúng hạn, còn ngân hàng cho ai vay, đầu tư vào đâu, người gửi tiền không quan tâm.
Nói chung, đầu tư vào TPQT rất an toàn, ngay cả trường hợp quốc gia đi vay không trả được nợ, thì các tổ chức tài chính quốc tế trung gian đứng ra thu xếp vốn phải trả nợ thay. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở nhiều nước gần như bằng không, thì nhà đầu tư không bỏ qua cơ hội cho các quốc gia khác vay vốn để kiếm lợi nhuận. Và trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành chắc chắn là thứ hàng hóa rất hấp dẫn.
Vấn đề đặt ra là, nếu tiếp tục vay vốn, nước ta có thể sẽ phá vỡ trần nợ công 65% GDP, thưa ông?
Để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hợp lý, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2011-2015, tổng đầu tư toàn xã hội phải đạt bình quân 33,5% GDP, nhưng trên thực tế, tối đa mới đạt 31% GDP, vì thế nhu cầu đầu tư còn thiếu lớn.
Mặt khác, trong tổng số tiền đi vay hiện nay, tiền vay trong nước có thời hạn ngắn (dưới 5 năm), lãi suất cao chiếm tới 2/3. Áp lực trả nợ vay trong nước rất lớn, năm 2015, nếu trả nợ hết các khoản nợ đến hạn, thì tổng số tiền trả nợ chiếm gần 30% tổng thu (năm 2014 chiếm 26,2% tổng thu). Chính vì vậy, một mặt vẫn tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn trong nước có thời hạn dài, lãi suất thấp; mặt khác phải huy động vốn trên thị trường quốc tế để có vốn đầu tư, cơ cấu lại nợ, giảm áp lực trả nợ và lãi suất vay vốn, đồng thời không gia tăng nợ công.
Tái cơ cấu danh mục nợ kỳ hạn dài () Xu hướng nắm bắt lợi thế của việc lợi suất giảm để tái cơ cấu kỳ hạn danh mục nợ, chuyển sang kỳ hạn dài hơn, gia tăng tính ổn định và giảm thiểu rủi ro cho danh mục trong năm 2014 sẽ được tiếp tục trong năm 2015 khi Chính phủ dừng phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm. |
Có nên phát hành thêm trái phiếu quốc tế? () Phát hành trái phiếu quốc tế giúp nâng mức dự trữ ngoại hối, góp phần giữ giá trị đồng nội tệ. Tuy nhiên, việc phát hành thêm phải được tính toán cẩn trọng. |
Nên phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD? () Thuận lợi lớn nhất của việc phát hành trái phiếu USD là truyền bá thông điệp về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này không chỉ có lợi cho Chính phủ, mà còn mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. |
Mạnh Bôn