Thời sự
Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam mất 400 ngày
Duy Hữu - 02/10/2015 13:28
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa phối hợp với Dự án GIG của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.
Hội thảo “Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, các luật sư, trọng tài và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện CIEM cho biết, CIEM đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19, có 2 chỉ số liên quan tới tư pháp, đó là giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại và giải quyết phá sản doanh nghiệp. Hiện nay, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng vẫn còn kéo dài, tới 400 ngày, giải quyết phá sản doanh nghiệp còn bế tắc…

Các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Phương thức tiếp nhận đơn khởi kiện, thủ tục hành chính tư pháp trong giai đoạn giải quyết vụ án; Thời hạn tố tụng; Khả năng áp dụng mô hình tòa án điện tử; Thủ tục công nhận bản án của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài…

Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu, tập trung vào việc phân tích nguyên nhân khiến việc giải quyết tranh chấp kéo dài và những đề xuất về việc rút ngắn thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án dân sự, kinh tế. Các phát biểu đã chỉ ra nguyên nhân của việc kéo dài thời hạn giải quyết tranh chấp bởi phần lớn tòa án vẫn áp dụng phương thức quản lý theo sổ sách, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong tố tụng. Hiện chưa có quy định về việc tiếp nhận đơn kiện gửi qua mạng, và cũng chưa có việc tống đạt giấy mời, quyết định qua mạng. Viện kiểm sát tham gia quá nhiều vào tố tụng dân sự. Thủ tục tống đạt hiện nay cũng phức tạp, gồm nhiều bước…

Các khuyến nghị tại Hội thảo sẽ được tập hợp, gửi lên Ban soạn thảo để nghiên cứu, chỉnh sửa, nhằm đưa ra một Bộ luật Tố tụng dân sự hoàn chỉnh, giúp cải thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác