Quốc tế
Thời khắc thử thách với thị trường chứng khoán quy mô 10 nghìn tỷ USD
Tư Thuần - 17/07/2023 13:34
Đà tăng tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu chuẩn bị đối mặt với thời khắc thử thách khi các doanh nghiệp sẽ đồng loạt công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm trong vài tuần tới.
TIN LIÊN QUAN

Thị trường chứng khoán toàn cầu với quy mô khoảng 10 nghìn tỷ USD đang chuẩn bị bước vào thời khắc thử thách. 500 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 được dự báo sẽ công bố lợi nhuận nửa đầu năm 2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc đây sẽ là nửa đầu năm tệ nhất kể từ năm 2020 tới nay, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg Intelligence.

Tại châu Âu, tình hình có thể tồi tệ hơn, với dự báo lợi nhuận doanh nghiệp giảm 12% nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức nền so sánh nửa đầu năm 2022 đã rất thấp bởi đây là thời điểm còn chịu ảnh hưởng nặng nề hậu đại dịch.

Dưới đây là 5 yếu tố mà giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi

Diễn biến của nhóm công nghệ

Cơn sốt xung quanh Trí thông minh nhân tạo (AI) đã tạo lực đẩy giúp chỉ số Nasdaq 100 (chủ yếu tập trung cổ phiếu công nghệ) có nửa đầu năm 2023 tăng trưởng tích cực. Hiện tại, giới đầu tư đang theo dõi sát sao các tín hiệu cho thấy liệu kết quả kinh doanh nửa đầu năm có khiến chỉ số đảo chiều.

“Nếu sự hưng phấn từ AI lụi tắt trước kết quả kinh doanh không lấy làm tích cực, chúng tôi dự báo ít nhất các cổ phiếu sẽ điều chỉnh tạm thời theo hướng giảm”, Aneeka Gupta, giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại WisdomTree chia sẻ.

Nhóm cổ phiếu các công ty công nghệ lớn nhất bao gồm Apple Inc, Microsoft Corp, Amazon.com Inc, Nvidia Corp và Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) được kỳ vọng sẽ đứng đầu trong nhóm tăng trưởng lợi nhuận quý này, theo Bloomberg Intelligence.

Đà tăng của nhóm công nghệ khiến các cổ phiếu này trở nên đắt đỏ

Tác động của lạm phát

Các dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt khiến giới đầu tư kỳ vọng rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ngừng nâng lãi suất sớm hơn. Đối với các doanh nghiệp, tin tức này không hẳn tích cực, bởi thị trường lao động và các chi phí khác vẫn theo đà tăng, trong khi doanh nghiệp phải nỗ lực để không phải tăng giá sản phẩm.

“Sức nóng của lạm phát giảm nhanh hơn so với đà giảm của tiền lương, điều này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng tổn thương tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng tôi đang theo dõi phản ứng của tăng trưởng tiền lương và lạm phát trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục chịu áp lực”, Rob Haworth, chiến lược gia cao cấp tại US Bank Wealth Management chia sẻ.

Biên lợi nhuận của doanh nghiệp chịu áp lực trong bối cảnh chi phí duy trì ở mức cao

Tiêu dùng thắt chặt

Các thành viên thị trường cho biết họ đang tập trung vào tâm lý tiêu dùng, thể hiện phần nào ở doanh số bán xe, lĩnh vực du lịch và chăm sóc sức khoẻ. Một vấn đề khác cũng thu hút sự chú ý là khối nợ doanh nghiệp và các kế hoạch tái cơ cấu tài chính.

“Trong những tháng qua, người tiêu dùng đã trở thành động lực cho kinh tế Mỹ, nhờ việc thị trường lao động tích cực và chi tiêu mạnh tay. Bởi vậy, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy người tiêu dùng chuyển sang “thắt lương buộc bụng”, giảm đi lại và chi tiêu cho nhiều dịch vụ đều là tín hiệu xấu”, Ross Mayfield, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Baird cho biết.

Hiện tại, thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về thị trường tiêu dùng. Micron Technology Inc – nhà sản xuất chip/thẻ nhớ cho biết, lượng đơn hàng máy tính và điện thoại di động suy giảm, trong khi BASF SE – công ty sản xuất hoá chất khổng lồ của Đức cho biết lợi nhuận sẽ không được như kỳ vọng do nhu cầu tiêu dùng đi xuống.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc có khả năng các dự báo lợi nhuận trong năm tới còn rất lạc quan so với thực tế và thị trường chứng khoán dễ bị tổn thương trước nguy cơ bán tháo, Michael Wilson, chiến lược gia tại Morgan Stanley chia sẻ.

Lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp châu Âu nhiều khả năng rơi sâu hơn so với doanh nghiệp tại Mỹ, bởi lĩnh vực sản xuất tại đây trong tình thế khó khăn, theo chiến lược gia tại Barclays Plc. Các nhà sản xuất lớn đối diện thêm thử thách khi đồng tiền nội tệ bao gồm euro và franc (Thuỵ Sỹ) duy trì sức mạnh.

Swatch Group – công ty sản xuất đồng hồ lớn cho biết các chi phí trở nên đắt đỏ hơn bởi đồng franc giữ giá và cảnh báo điều này sẽ tác động tới doanh số bán hàng năm nay. 

Thị trường chứng khoán châu Âu bắt đầu phản ánh các khó khăn của nền kinh tế trong giai đoạn tháng 4 tới tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, nhờ định giá rẻ hơn mà chứng khoán trong khu vực gia tăng sức hấp dẫn đối với một số nhà đầu tư lớn.

Chứng khoán châu Âu có màn biểu diễn kém hơn so với chứng khoán Mỹ

Kinh tế Trung Quốc rung lắc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc không hoà cùng nhịp leo dốc của chứng khoán toàn cầu kể từ đầu năm tới nay bởi nền kinh tế hồi phục chậm hơn dự báo, chưa kể nhiều vấn đề nội tại liên quan tới thị trường bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ khiến nhà đầu tư thêm phần lo lắng.

Trong bối cảnh này, không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn mà các tập đoàn quốc tế lớn có hoạt động tại Đại lục cũng trở nên cẩn trọng. Burberry Group Plc cho biết, nhu cầu tại Trung Quốc hỗ trợ lớn cho nhu cầu yếu tại thị trường Mỹ đối với hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Trong khi đó, LVMH và Kering SA cho biết đã có một số dấu hiệu đứt gãy nhu cầu vào đầu năm nay và sẽ theo sát hoạt động tại thị trường châu Á.

Fabiana Fedeli, Giám đốc đầu tư chứng khoán và các tài sản khác tại M&G Plc cho biết, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thể thao, làm đẹp tại Trung Quốc đối diện nhiều rủi ro hơn các nhãn hàng xa xỉ do đặc điểm của phân khúc khách hàng này nhạy cảm với giá cả.

Tin liên quan
Tin khác