Việc Fed hạ lãi suất được nhận định sẽ không tác động trực tiếp đến lãi suất, không ảnh hưởng đến các lớp tài sản đầu tư ở Việt Nam. |
Kinh tế Mỹ kỳ vọng “hạ cánh mềm”, thời kỳ tiền rẻ chưa tới
Quyết định về lãi suất của Fed sẽ được đưa ra sau một tuần nữa. Hiện tại, công cụ FedWatch của CME Group cho thấy, có 73% khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách diễn ra tháng 9 này.
Giới chuyên gia kỳ vọng, chu kỳ hạ lãi suất của Fed bắt đầu từ tháng 9 sẽ giúp nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, tức giúp lạm phát giảm mà nền kinh tế không rơi vào suy thoái.
Mặc dù số liệu việc làm của Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng lên, song ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, xác suất suy thoái của Mỹ là cực nhỏ. Dù tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại, song chỉ số tiêu dùng vẫn tốt. Tỷ lệ thất nghiệp tuy tăng lên, nhưng vẫn ở mức dưới 5% - là tỷ lệ “hoàng kim” của nền kinh tế Mỹ.
“Trong vòng 50 năm qua, kinh tế Mỹ vẫn đang trong giai đoạn hoàng kim nhất và để rớt xuống mức suy thoái là khó”, ông Khánh nhận định.
Tương tự, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) cho rằng, với chỉ số tiêu dùng hiện nay, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ hạ cánh mềm. Chỉ khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng nhanh, tiêu dùng giảm, thì nền kinh tế mới hạ cánh cứng, rơi vào suy thoái.
Theo giới chuyên gia, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ giai đoạn vừa qua là sự tăng trưởng của tiêu dùng. Trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiết kiệm của người dân là dưới 10%, tăng lên 26-33% giai đoạn 2020-2021, nhưng giảm rất nhanh giai đoạn 2022-2023. Tức là người dân đang tiêu xài gần hết số tiết kiệm trước đó và việc tăng tiêu dùng giai đoạn tới phụ thuộc rất lớn vào thu nhập hiện tại cũng như tương lai.
Trong bối cảnh khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ chưa chắc chắn, các chuyên gia không nghi ngờ khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng 9 này. Không chỉ Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có khả năng tiếp tục hạ lãi suất, bởi nền kinh tế Eurozone đuối sức. Trước đó, các ngân hàng trung ương Canada, Thụy Sỹ… đã cắt giảm lãi suất điều hành.
Mặc dù xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương đang diễn ra mạnh mẽ và khả năng sẽ kéo dài đến năm 2026, song ông Phan Dũng Khánh cảnh báo, nhà đầu tư cần tỉnh táo, bởi kỷ nguyên tiền rẻ chưa bắt đầu. Nguyên nhân là lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương châu Âu, Mỹ vẫn còn cao hơn rất nhiều so với lãi suất trung tính (khoảng 2,5-3%). Để kỷ nguyên tiền rẻ bắt đầu, lãi suất của các ngân hàng trung ương phải kéo giảm về dưới mức này - tức phải giảm 50% lãi suất hiện hành.
“Kỳ vọng kỷ nguyên tiền rẻ quay lại để kích hoạt thị trường tài chính, khiến thị trường tài sản ‘phi như điện’ là rất khó, nhất là trong bối cảnh nhiều lớp tài sản như chứng khoán, vàng, tài sản số… đều đang ở đỉnh như hiện nay”, ông Phan Dũng Khánh cảnh báo.
Dòng tiền đầu tư ngày càng thận trọng, nhà đầu tư cẩn trọng “đu đỉnh”
Theo báo cáo của SSI Research, dòng tiền đầu tư trên toàn cầu có dấu hiệu thận trọng hơn, đặc biệt là dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu trước các dấu hiệu kém tích cực về kinh tế Mỹ. Nỗi lo suy thoái khiến nhà đầu tăng tỷ trọng phân bổ vốn vào các quỹ trái phiếu. Tính chung 8 tháng đầu năm, tỷ trọng phân bổ cổ phiếu và trái phiếu khá cân bằng, nhằm chuẩn bị cho cả hai kịch bản suy thoái hay kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”.
“Nhìn chung, tâm lý đầu tư bắt đầu ở trạng thái thận trọng hơn. Khảo sát từ Bank of America cho thấy tâm lý lạc quan ở các nhà quản lỹ quỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua và tỷ trọng tiền mặt đã tăng nhẹ lên 4,3% - từ mức 4% của tháng 6”, SSI Research cho biết.
Với tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, giới chuyên gia cho rằng, không có chuyện dòng tiền sẽ ào ào chảy vào các kênh tài sản trong thời gian tới.
Với riêng thị trường Việt Nam, theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, việc Fed hạ lãi suất sẽ không tác động trực tiếp đến lãi suất, cũng không ảnh hưởng đến các lớp tài sản đầu tư. Fed hạ lãi suất sẽ tạo điều kiện cho chính sách điều hành ở Việt Nam ổn định, theo đó, lãi suất sẽ nằm trong vùng hiện tại, hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Theo phân tích của các chuyên gia, tác động lớn nhất của việc Fed hạ lãi suất là áp lực tỷ giá với thị trường trong nước sẽ giảm, tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn. Tất nhiên, khả năng USD sẽ khó hạ sâu vì mốc 100 điểm của USD Index là ngưỡng hỗ trợ rất cứng. Thậm chí, nếu ngân hàng trung ương các nước hạ lãi suất nhanh và mạnh nhiều hơn Fed, Chỉ số USD Index thậm chí còn có nguy cơ tăng. Theo đó, lãi suất cũng sẽ khó giảm hơn nữa, song áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ổn định lãi suất thấp như hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế.
Ở chiều ngược lại, tác động tiêu cực mà quyết định Fed giảm lãi suất có thể mang lại là xuất khẩu suy yếu, ảnh hưởng tới sự phục hồi sản xuất và tiêu dùng trong nước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiêu dùng 8 tháng đầu năm vẫn chưa có sự bứt phá.
Trong bối cảnh thị trường hiện tại, đứng ở góc độ cố vấn tài chính, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, Đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn đầu tư vào nhiều lớp tài sản để phân bổ rủi ro. Riêng danh mục đầu tư của AFA, ông Tuấn cho biết, vẫn giành 55% tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu, giảm tỷ trọng đầu tư vào vàng.
Một lời khuyên nữa với nhà đầu tư, theo ông Phan Dũng Khánh, là phải biết quan sát và lần theo xu hướng thị trường, dấu chân dòng tiền, đặc biệt là dấu chân của các “cá mập”. Nguyên tắc này áp dụng trong mọi kênh đầu tư, kể cả chứng khoán, vàng, bất động sản hay trái phiếu.