Các nhân sự trình Quốc hội tại kỳ họp này được khẳng định là đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét thận trọng, kỹ lưỡng... |
Không chỉ tổng kết nhiệm kỳ của chính mình, Quốc hội còn xem xét báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
Yêu cầu từ các phiên thảo luận này không chỉ là cần đánh giá sâu sắc, toàn diện những thành tựu, kết quả đạt được, mà còn cần phân tích, chỉ ra những mặt bất cập, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất giải pháp để các cơ quan trong bộ máy nhà nước tiếp tục kế thừa, phát huy, cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng lĩnh vực
Vì thế, tổng kết nhiệm kỳ, không phải chỉ toàn những lời ngợi ca, mà cũng có những phát ngôn thẳng thắn khiến đại biểu Quốc hội, dù sắp hết nhiệm kỳ hay tiếp tục có trong danh sách tái cử đều ý thức hơn về trách nhiệm cá nhân, để giữ mạch nghị trường và cao hơn là “giữ lửa” nghị trường.
Quốc hội cần đặc biệt quan tâm đến việc chống tham nhũng chính sách. Chính phủ cần sớm đưa ra giải pháp khắc phục, cam kết giải quyết tình trạng kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản còn bị buông lỏng ở một số nơi. Chủ tịch nước cần tăng cường chỉ đạo đối thoại với nhân dân, tập trung giải quyết đơn, thư kiến nghị, các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, xử lý nghiêm cán bộ thờ ơ, vô trách nhiệm, vô cảm với nhân dân… Đó là những nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh khi đăng đàn.
Không kém phần quan trọng ở kỳ họp cuối nhiệm kỳ là công tác nhân sự. Các nhân sự trình Quốc hội tại kỳ họp này được khẳng định là đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đúng trình tự, thủ tục, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, điều kiện theo quy định, có năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác.
Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người được bầu vào chức vụ mới đầu tiên. Khác với người tiền nhiệm, ông chưa từng giữ trọng trách nào ở Quốc hội. Phát biểu nhậm chức của ông cũng ngắn gọn nhất trong 3 vị thực hiện nghi thức tuyên thệ ở kỳ họp này. Cam kết của Chủ tịch Quốc hội trước đồng bào, cử tri cả nước là sẽ đem hết sức mình, cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tựu to lớn của Quốc hội qua các thời kỳ, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người thực hiện nghi thức tuyên thệ thứ hai, cả trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phát biểu nhậm chức đều nhắc đến hình ảnh con tàu Việt Nam với hải trình dồn dập bão tố, từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ liên tiếp. Nhưng, nguyên thủ quốc gia giai đoạn mới của đất nước khẳng định rằng, khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân, mà nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên.
Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận trọng trách khi hơn một nửa thành viên Chính phủ là người mới. Ông chưa từng là thành viên Chính phủ cho đến trước khi được bầu làm Thủ tướng, trong khi các nhiệm kỳ gần đây, Thủ tướng đều từng là Phó thủ tướng.
Thông điệp nhậm chức của tân Thủ tướng cũng được đặc biệt chú ý khi tính từ “mạnh mẽ” được ông nhắc đến hơn một lần. Đầu tiên, ông khẳng định, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Thông điệp tiếp theo là cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, quyết liệt, hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, nhẫn nại vượt khó, trọng dụng nhân tài, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm... Những thông điệp đó, Quốc hội và cử tri không chỉ ghi nhớ, mà sẽ theo dõi, giám sát.
Trao đổi với báo chí, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) bày tỏ: Đại hội XIII của Đảng đã xác định, phát triển đất nước trong giai đoạn mới luôn có thuận lợi và thách thức đan xen. Như kinh tế trong nước dù đạt tốc độ tăng trưởng khá, song vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tiềm lực, vị thế của đất nước được cải thiện nhiều, nhưng cũng phải thẳng thắn rằng, đất nước ta còn nghèo, còn khó khăn, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, đời sống của nhiều người dân còn ở mức khiêm tốn... Bởi thế, ông Sinh và nhiều đại biểu khác đều mong muốn những thông điệp từ nghị trường sẽ được hiện thực hóa trong cuộc sống, ngay sau khi Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội kết thúc.