Đại biểu chất vấn hàng loạt vấn đề nóng
Nợ xấu cũng như hiệu quả bước đầu triển khai Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là vấn đề được nhiều đại biểu như Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) gửi tới Thống đốc. Đại biểu Minh Tâm cho rằng, nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã được ban hành với kỳ vọng phá tan được cục máu đông nợ xấu nhưng khi triển khai gặp nhiều vướng mắc. Việc xử lý nợ xấu tài sản do nhiều tài sản liên quan tới các vụ án, chưa thể hoàn tất hồ sơ. Vậy đâu là giải pháp khắc phục.
Vấn đề tiếp theo được các đại biểu quan tâm là huy động vốn trong dân. Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) phát biểu: Nguồn vốn vàng và ngoại tệ trong dân rất lớn song vẫn là vốn chết. Nếu người dân có niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động được nguồn vốn này giúp kinh tế đất nước phát triển. Chung nhận định này, Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng yêu cầu NHNN đưa ra giải pahps để huy động vàng và ngoại tệ trong dân.
Vấn đề tiếp theo được nhiều đại biểu quân tâm là lãi suất và tín dụng. Về tín dụng, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyến, An Giang, chất vấn về thách thức tăng trưởng tín dụng đặt mục tiêu 18% trong năm nay bởi 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 12% và giải pháp của NHNN.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Lạng Sơn nêu thực tế: lãi suất cho các dự án đầu tư 12%/năm làm tăng chi phí, tăng giá thành. Lãi suất cao, tín dụng có xu hướng đổ vào BOT giao thông, bất động sản là nơi có dự án lớn, thời gian vay dài nên lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ, khu vực tạo ra nhiều việc làm cho xã hội khó tiếp cận. Cũng chất vấn về vấn đề này, đại biểu Trần Công Thuật - Quảng Bình yêu cầu Thống đốc làm rõ hơn giải pháp giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và giải pháp đảm bảo quyền lợi người dân nếu phá sản ngân hàng.
Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) yêu cầu Thống đốc làm rõ việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường. Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu lên lo lắng, bất an của người dân bất an với việc mua bắt buộc ngân hàng 0 đồng. "Trên 80% vốn ngân hàng đều là tiền gửi của nhân dân, nếu đổ vỡ sẽ tạo hiệu ứng domino gây thiệt hại nặng nề". Cùng với nỗi lo này, đại biểu Vượt đề nghị Thống đốc có giải pháp đột phá gì để xử lý nợ xấu và thu hút các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu TCTD.
Trong khi đó, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề cập tới hạn mức tiền gửi 75 triệu đồng hiện nay nếu ngân hàng phá sản, không đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền.
Thống đốc: ngân hàng rất phấn khích với Nghị quyết 42
Liên quan đến Nghị quyết 42, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng, có ích trong việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. “Nếu đại biểu tiếp xúc với các cử tri là ngân hàng sẽ thấy sự phấn khích rất lớn vào khuôn khổ pháp lý mới này”,Thống đốc nói.
Dù Nghị quyết mới có hiệu lực từ 15/8 nhưng Thống đốc cho biết NHNN có những giải pháp triển khai rất cụ thể.
Với một số vụ việc nợ xấu liên quan vụ án cơ quan pháp luật đang điều tra thì NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, VAMC làm việc với cơ quan chức năng trong từng vụ cụ thể.
Theo Thống đốc, để xử lý nợ xấu, việc đầu tiên là thực hiện tốt Nghị quyết 42 của Quốc hội. NHNN có hội nghị trực tuyến toàn quốc đến cùng dự, chia sẻ nội dung liên quan quy định của Nghị quyết 42 và chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để làm cơ sở nhân rộng.
Lãi suất cho vay và vốn vào BOT, bất động sản giảm
Trả lời về thách thức tăng trưởng tín dụng mức 18% cho năm 2017, Thống đốc cho biết, tính đến cuối tháng 10, tổng tăng trưởng là 13,66%, tăng 1 điểm phần trăm so cùng kỳ, không có gì đột biến. Cơ cấu tín dụng 10 tháng đầu năm 2017 tập trung lĩnh vực ưu tiên.
"Mức tăng từ nay đến cuối năm phù hợp với khả năng hấp thụ, không tạo áp lực lên lạm phát, kinh tế, chất lượng được kiểm soát", Thống đốc khẳng định.
Thống đốc cũng khẳng định quan điểm của NHNN và Chính phủ là tăng tín dụng phải đảm bảo chất lượng - đây là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về nỗi lo tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, bất động sản, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, dòng vốn cho vay BOT, bất động sản thời gian qua đã bị NHNN kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này thấp hơn trước. Tỷ trọng cho vay BOT chỉ chiếm 1,5% trong tổng dư nợ, nợ xấu kiểm soát, tỷ trọng cho vay bất động sản chỉ còn khoảng 7,1% so với trên 10% năm ngoái.
Về giảm lãi suất cho vay, Thống đốc cho rằng, trong điều hành chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng luôn đặt nhiệm vụ giảm chi phí, lãi suất lên hàng đầu. Lãi suất Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố. Quan điểm xuyên suốt là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, giữ lạm phát mức thấp.
NHNN cũng chỉ đạo TCTD trong hoạt động kinh doanh phải tiết giảm chi phí để giảm chi phí cho vay, đẩy nhanh xử lý nợ xấu qua đó giảm lãi suất cho vay.
Xử lý ngân hàng yếu kém: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là then chốt
Về xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc cho biết, NHNN đã tổng kết, đánh giá và thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại. Chính phủ đã quyết liệt hoàn thiện phương án xử lý nhưng nguồn lực ngân sách khó khăn. Muốn huy động được nhà đầu tư thì lại cần có hành lang pháp lý hoàn thiện.
Thống đốc cho rằng, với xử lý ngân hàng yếu kém, nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy là giải pháp then chốt. Tiếp đó là tăng cường năng lực quản lý, quản trị điều hành của các TCTD; đẩy nhanh xử lý nợ xấu; tăng thanh tra giám sát của NHNN; nhóm giải pháp hỗ trợ đi kèm.
Người đứng đầu NHNN cũng khẳng định, thời gian qua, tới, NHNN sẽ ban hành văn bản, quy định để đảm bảo an toàn, như tỷ lệ đảm bảo an toàn, thông tư góp vốn mua cổ phần..
Về các ngân hàng 0 đồng, Thống đốc thừa nhận, các ngân hàng 0 đồng sau khi mua bắt buộc lại vẫn còn thua lỗ. Dù vậy, Thống đốc khẳng định điều quan trọng nhất là đã ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh rút tiền hàng loạt, lây lan sang hệ thống. Hiện tại, các ngân hàng này cơ bản hoạt động ổn định, lỗ lũy kế giảm dần.
Theo Thống đốc, NHNN đã nhiều lần họp bàn và đưa ra các giải pháp để xử lý. Ngân hàng Nhà nước đã đưa cán bộ từ Vietcombank, VietinBank sang kiện toàn, tăng cường hoạt động đảm bảo an toàn, đẩy mạnh tiết giảm chi phí để giảm lỗ. "Cơ bản hoạt động các ngân hàng này đã ổn định, lỗ lũy kế giảm dần", ông Hưng nói.
Tuy nhiên, việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng này cần thời gian bởi khó khăn nhất là chưa có cơ sở pháp lý để xử lý các ngân hàng yếu kém. Vì vậy, thời gian qua, NHNN đã tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng để có công cụ xử lý, hỗ trợ xử lý các ngân hàng tái cơ cấu.