- JPC Nhật Bản đề xuất đầu tư Cảng Liên Chiểu theo phương án 5.581 tỷ đồng
- DMH đề xuất tham gia Dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)
- Cần 32.861 tỷ đồng để cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) đạt công suất 46 triệu tấn/năm
- Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng Liên Chiểu
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công vừa chủ trì buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ họp bàn về công suất khai thác Cảng Tiên Sa và kế hoạch đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu.
Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, các vụ liên quan và Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng.
Vị trí cảng Liên chiểu và cảng Tiên Sa hiện tại. Sau khi đầu tư cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa sẽ được Đà Nẵng chuyển sang làm cảng du lịch |
Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu, ý kiến tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị dự họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã thống nhất một số chủ trương chính.
Theo đó thống nhất giới hạn công suất khai thác tối đa Cảng Tiên Sa là 10 triệu tấn/năm. Đây là chủ trương nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14B, đặc biệt là đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng (Trường Sơn – Cách mạng Tháng 8 – 2 Tháng 9 – Cầu Tiên Sơn – Ngũ Hành Sơn – Ngô Quyền – Yết Kiêu) cũng như phù hợp với định hướng phát triển Cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch quốc tế.
Về đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu: Bộ Giao thông vận tải Thống nhất sớm triển khai đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu để chủ động tiếp nhận hàng hóa vận tải đường biển thông qua khu vực cảng Đà Nẵng.
Phương án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó: Hợp phần A (gồm đầu tư đê kè chắn sóng, nạo vét luồng, vũng quay tàu và hạ tầng kỹ thuật tiếp cận cảng) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có thể xem xét đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn Nhà nước hợp pháp khác. Hợp phần B (gồm đầu tư hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng) sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng triển khai đầu tư và khai thác cảng sau này.
Sau cuộc họp, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ khẩn trương cập nhật số liệu, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án gửi Bộ Giao thông Vận tải cùng thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở triển khai thực hiện.
Phương án xây dựng cảng Liên Chiểu do đối tác Nhật Bản nghiên cứu, trình bày thời gian vừa qua |
Dự án Xây dựng Cảng Liên Chiểu có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.913 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA là 3.584 tỉ đồng, vốn đối ứng của thành phố là 300 tỉ đồng, còn lại sẽ huy động vốn từ nguồn DN thông qua hình thức PPP (đối tác công tư).
Để có vốn đầu tư dự án này, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản công bố kêu gọi đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức hợp tác công tư với số vốn 4.000 tỷ đồng.
Đồng thời, mời Công ty tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC); Viện phát triển khu vực ven biển nước ngoài (OCDI) tham gia nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng).
Cũng liên quan đến dự án này, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Đà Nẵng và TP Yokohama (Nhật Bản), phía Nhật Bản đã xúc tiến và được Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đồng ý hỗ trợ thực hiện Nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) từ cuối năm 2016.
Hiện nay, một số nhà đầu tư đã ngỏ ý muốn tham gia dự án, như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu DMH (có trụ sở tại TP.HCM); Tập đoàn TT cũng đã có công văn gửi ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị được tham gia làm nhà đầu tư BT Dự án cảng Liên Chiểu và đê chắn sóng cảng Liên Chiểu...