Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình |
Cá nhân được mua TPDN riêng lẻ, phát hành TPDN ra công chúng không cần bảo lãnh ngân hàng
Do phạm vi liên quan đến lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính và thuế thu nhập cá nhân, Luật mới vừa được trình Quốc hội thông qua chiều nay sửa đổi 9 luật thay vì 7 luật như phương án ban đầu Chính phủ trình Quốc hội.
Theo đó, Luật vừa được Quốc hội thông qua có tên là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, một số ý kiến cho rằng Luật sửa 8 luật chứ không phải 7 luật như tờ trình của Chính phủ. Ủy ban thường vụ nhất trí ý kiến này và nhận thấy, trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi còn có một số nội dung liên quan đến đến các quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung thêm 2 luật sửa đổi vào tên gọi của dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Đối với Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật sửa 9 luật vừa thông qua đã bổ sung thêm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Luật cũng chính thức cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân được mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với điều kiện nhất định. Dự thảo ban đầu của Chính phủ chỉ cho phép nhà đầu tư tổ chức mua bán, giao dịch TPDN riêng lẻ. Nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân chỉ được giao dịch TPDN riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành.
Ủy ban Thường vụ cho biết, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua là để tránh những tác động lớn đến thị trường, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp phát hành thuộc các ngành, lĩnh vực khác trên thị trường và tạo văn hóa xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường TPDN phát triển công khai, minh bạch hơn.
Đối với chào bán trái phiếu ra công chúng, Luật không bổ sung quy định về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc được bảo lãnh của ngân hàng. UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát các văn bản quy định về xếp hạng tín nhiệm để bảo đảm quy định của Luật được thực thi hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng TPDN phát hành.
Phạt nặng công ty kiểm toán vi phạm để đảm bảo răn đe
Đối với lĩnh vực kiểm toán, Luật sửa 9 luật vừa thông qua nâng mạnh mức phạt hành chính trong lĩnh vực này. Theo đó, mức phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng (đối với tổ chức) và 1 tỷ đồng (đối với cá nhân). Mức xử phạt hiện tại đang là 100 triệu đồng với tổ chức và 50 triệu đồng với cá nhân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng tăng thời hiệu xử phạt tối đa lên 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay.
Trước đó, một số ý kiến cho rằng chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm do nhu cầu về nhân sự kiểm toán còn thiếu so với quy mô thị trường.
UBTVQH thấy rằng đây là mức phạt tiền tối đa và chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, có thể xem xét quy định như tại dự thảo Luật để bảo đảm tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên, nhất là thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tác động cụ thể và có mức xử phạt hợp lý đối với từng hành vi.
Với Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhiều đại biểu trước đó băn khoăn về sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số .
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết đã rà soát và khẳng định việc sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả, công bằng giữa các quốc gia; đồng thời tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài “có cơ sở thường trú” đăng ký, khai, nộp thuế.