Thời sự
Cấp tốc sửa 7 luật, chấn chỉnh thị trường trái phiếu
Nguyễn Lê - 05/10/2024 11:12
Quy định “chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ” vừa được Chính phủ đề xuất tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và 6 luật khác.
Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ thông qua việc đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu. Ảnh: Đức Thanh

Nâng cao tính an toàn cho thị trường

Tại Nghị quyết số 53/2024/UBTVQH15 ban hành mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Dự án 1 luật sửa 7 luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tám (khai mạc ngày 21/10) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Một trong những mục đích ban hành luật được nêu tại tờ trình của Chính phủ là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, tại phần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Dự thảo luật bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài. “Nhà đầu tư chứng khoán là tổ chức, cá nhân nước ngoài thường là những nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng hiểu biết, có trình độ, năng lực tài chính và có khả năng chấp nhận rủi ro cao”, Chính phủ nêu lý do đề xuất.

Đáng chú ý, Dự thảo quy định, chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ. Lý do là trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt là các loại trái phiếu do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, là một loại sản phẩm có mức độ rủi ro rất cao.

Mặc dù pháp luật của một số quốc gia trên thế giới không cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia thị trường này, nhưng trên thực tế, hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư trái phiếu riêng lẻ thường chỉ được thực hiện giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân thường không tham gia trực tiếp vào thị trường này do hạn chế về khả năng quản trị rủi ro và nguồn lực, tính hiệu quả khi thực hiện các hoạt động phòng ngừa rủi ro.

“Việc quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần thiết. Nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức có đủ nguồn lực, nhân lực và khả năng, kỹ năng để phân tích được tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức phát hành, cũng như có các giải pháp về quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ”, tờ trình nêu rõ.

Chính phủ cũng giải thích, việc bổ sung quy định này không hạn chế sự tham gia của cá nhân vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, do vậy không hạn chế khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường này. Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ thông qua việc đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu, được quản lý bởi công ty quản lý quỹ là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có đủ trình độ, kỹ năng đầu tư và được cấp phép, giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Quy định mới cũng phù hợp với định hướng tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua các loại hình quỹ đầu tư và xây dựng cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức được đưa ra tại Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2023 ban hành theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tờ trình nêu rõ, quy định tại Dự thảo phù hợp với ý kiến của cấp có thẩm quyền  đối với kiến nghị rà soát, sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là các điều kiện phát hành và giới hạn phạm vi nhà đầu tư được tham gia.

Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với việc cần thiết bổ sung quy định đối tượng tham gia đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức nhằm nâng cao tính an toàn cho thị trường.

Để thị trường có thời gian điều chỉnh và thích ứng với quy định mới, Dự thảo Luật bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp và áp dụng từ ngày 1/1/2026, chậm hơn 1 năm để các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn dư nợ được giao dịch và chuyển nhượng trái phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức hoặc cá nhân khác, đảm bảo quyền và lợi ích của các nhà đầu tư hiện hành.

Tăng mức xử phạt vi phạm về kiểm toán độc lập lên 30 lần

Với Luật Kiểm toán độc lập, một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý là quy định về xử lý vi phạm. Theo Chính phủ, trong thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm trong lĩnh kiểm toán độc lập, đã phát sinh một số trường hợp không thực hiện được do hết thời hiệu xử phạt (quy định hiện nay là 1 năm đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập). Các trường hợp này khi phát hiện hành vi vi phạm thì đã hết thời hiệu xử phạt, vì vậy không xử phạt được.

Một số trường hợp quy định chưa phù hợp với bản chất của hành vi vi phạm cũng như thông lệ quốc tế; mức xử phạt còn thấp, chưa đủ tính răn đe (phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức). Do đó, các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm có xu hướng không ngại vi phạm các quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn.

Trong khi đó, trên thực tế, đã phát hiện và xử lý một số hành vi vi phạm, một số trường hợp còn liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (vụ án FLC Faros, Tân Hoàng Minh). Đây là các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán độc lập, nhưng nếu xử lý vi phạm hành chính, chỉ có thể xử lý theo mức xử phạt theo quy định hiện nay, chưa đủ tính răn đe. Theo quan điểm của Chính phủ, mặc dù một trường hợp có thể vi phạm pháp luật hình sự, nhưng các trường hợp còn lại cần phải được xử lý một cách tương xứng.

Từ thực tế và trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế về xử lý vi phạm, Dự thảo quy định, thời hiệu xử phạt tối đa là 5 năm, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng (đối với tổ chức) và 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân).

Thẩm tra, một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tăng cường xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập là cần thiết. Tuy nhiên, Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và một số công ty kiểm toán cho rằng, mức phạt trên là quá cao so với đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán (vốn góp, phí dịch vụ kiểm toán…).

“Đây là các ý kiến cần được cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là đề xuất sửa đồng thời cả Luật Xử lý vi phạm hành chính”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt nói.

Ngoài ra, ý kiến tham gia thẩm tra cũng đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất việc tăng mức xử phạt lên gấp 30 lần so với luật hiện hành (từ 100 triệu đồng lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 50 triệu  đồng lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân).

Mức này, theo giải thích của cơ quan soạn thảo, là tương tự Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, mức xử phạt đối với các ngành liên quan như kế toán, kiểm toán nhà nước thì vẫn thấp (50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức), khiến một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn băn khoăn.

“Ngoại lệ” trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của tổ chức tín dụng

Tại Tờ trình dự án 1 luật sửa 7 luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quy định về việc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức có ngoại trừ đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của tổ chức tín dụng phát hành.

Lý do cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ do các tổ chức tín dụng phát hành, theo Bộ trưởng, là các tổ chức tín dụng được quản lý, giám sát an toàn về tài chính theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước.

Tổ chức tín dụng được huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân và các tổ chức, cá nhân không phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng đã huy động được 153.700 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, chiếm tỷ lệ 70,3% giá trị toàn thị trường. Do vậy, việc cho phép các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tiếp tục được đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ do các tổ chức tín dụng phát hành sẽ tránh gây xáo trộn đối với thị trường này.
Tin liên quan
Tin khác