Đây là những ca nghi ngờ, tiếp xúc gần với bệnh nhân trước đó đã được cách ly theo dõi. Theo đó, một em bé 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi, là người thân của thai phụ mắc bạch hầu trước đó, xét nghiệm dương tính sau 3 ngày cách ly theo dõi.
Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng phòng chống bệnh bạch hầu. Ảnh: Chí Cường |
Trước nguy cơ dịch lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị huyện Mường Lát tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để rà soát các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, kịp thời cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm theo quy định.
Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa chỉ đạo các bộ phận chuyên môn chuẩn bị thuốc điều trị dự phòng theo quy định cho tất cả các đối tượng có nguy cơ trong gia đình bệnh nhân và các hộ dân xung quanh, những người tiếp xúc gần bệnh nhân hoặc người có nguy cơ mắc bệnh.
Tiếp tục triển khai phun hóa chất Cloramin B tại khu vực nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh nhà bệnh nhân. UBND huyện Mường Lát chủ động cấp kinh phí để đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch.
Trước đó, ngày 5/8, chị P.L.M. (SN 2007, trú tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát) phát hiện mắc bệnh bạch hầu.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, ngày 1/8 bệnh nhân có biểu hiện đau rát họng, ở nhà dùng thuốc không đỡ. Ngày 4/8 bệnh nhân đến phòng khám tư nhân và được tư vấn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát cùng ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, đau rát họng, nuốt vướng, niêm mạc họng đỏ xung huyết. Hai bên amydan sưng nề đỏ, có nhiều giả mạc trắng bám trên bề mặt amydan.
Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và được chuyển lên Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cùng ngày.
Qua rà soát, sàng lọc thực hiện lấy 12 mẫu xét nghiệm dịch ngoáy họng, trong đó có 5 mẫu có các triệu chứng viêm amidan, đau rát họng và 7 mẫu là các trường hợp F1 có tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên, là người thân với bệnh nhân và sinh sống gần nơi ở của bệnh nhân.
Trước đó cũng về dịch bạch hầu, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong tại Nghệ An.
Được biết, vài năm trở lại đây, tại Tây Nguyên, một số tỉnh miền núi phía Bắc có ca bệnh trở lại. Hầu hết các địa phương này thuộc vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn dẫn đến số ca bệnh tăng.
Mới đây, sau gần 20 năm không xuất hiện ca bệnh, tỉnh Hà Giang đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bạch hầu, trong đó có trường hợp tử vong. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng ghi nhận 2 ca mắc bạch hầu. Trước đó, vừa qua tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong.
Trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX.
Bệnh có thời gian ủ bệnh khoảng 2-5 ngày. Trong thời gian này, người bệnh không có biểu hiện. Bệnh dễ lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bệnh.
Với các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, đau họng..., bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, viêm dây thần kinh, suy tim, viêm kết mạc... gây tử vong sau 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới khoảng 5-10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi khi mắc bệnh.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc-xin, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là ở nơi có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau khi có vắc-xin, tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống dưới 0,01/100.000 dân.
Theo chuyên gia, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong.
Tiếp theo, bạch hầu có thể gây ra các biến chứng thần kinh, chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.
Nhóm người có nguy cơ tử vong cao thường dưới 15 tuổi, trên 40 tuổi, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể, ví dụ thay van tim nhân tạo hoặc đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch.
Hiện nay, vắc-xin là biện pháp nhanh chóng, tiết kiệm và an toàn để phòng bệnh bạch hầu. Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ khi vắc-xin ngừa bạch hầu-ho gà-uốn ván được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 1981, số ca bạch hầu tại nước ta đã giảm mạnh.
Trong nhiều năm trở lại đây, bệnh quay trở lại với các ca bệnh rải rác ở các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên, gần đây là các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua điều tra dịch tễ, đây đều là các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bác sỹ Bùi Thị Việt Hoa, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, vắc-xin phòng bạch hầu có trong tất cả các vắc-xin kết hợp 2 trong 1; 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1; 6 trong 1. Vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc-xin 4 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi.
Vắc-xin 3 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, vắc-xin 2 trong 1 ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.
Theo bác sỹ Việt Hoa, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ liều để phòng chống bạch hầu. Bởi nếu không may mắc bệnh thì sẽ có nhiều nguy cơ cho sức khỏe trẻ.
Ngoài ra, theo đại diện hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, với những bệnh có vắc-xin, người dân không nên chần chừ mà cần tiêm chủng để bảo vệ an toàn bản thân và chăm lo sức khỏe cho gia đình mình.