Thời sự
Thu chi ngân sách: Phải chủ động giảm chi nếu hụt thu
Mạnh Bôn - 24/11/2018 08:33
Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua yêu cầu siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách; thu ngân sách năm 2019 tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018. Để thực hiện nhiệm vụ này, theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính), các địa phương phải phấn đấu thu vượt dự toán; trường hợp hụt thu phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi.

Đến thời điểm này, liệu có chắc năm nay thu ngân sách hoàn thành dự toán không, thưa ông?

Trong 10 tháng đầu năm 2018, thu ngân sách ước đạt 85% dự toán, tăng hơn 15% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cả thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán. Trong 2 tháng còn lại của năm 2018, mặc dù còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhiều khả năng, thu ngân sách năm nay vượt dự toán khoảng 3%. 

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính)

Với số thu tăng 3%, chi tăng 2,6% so với dự toán và GDP ước tăng trưởng 6,7% thì bội chi năm nay ước khoảng 3,67% GDP, giảm so với mục tiêu Quốc hội đặt ra là 3,7% GDP; nợ công tương đương 61,4% GDP, giảm đáng kể so với mục tiêu là 63,9% GDP; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó, huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Tôi cho rằng, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh phải tiếp tục cắt giảm mạnh thuế quan theo các cam kết hội nhập...

Nhưng nguồn thu quan trọng nhất là từ khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán. Thưa ông, đây là năm thứ 2 liên tiếp, nguồn thu này không đạt dự toán…

Thu từ khu vực doanh nghiệp trong mấy năm qua không đạt dự toán có nguyên nhân cơ bản là lập dự toán thu năm sau quá cao so với ước thực hiện của năm trước. 

Cụ thể, năm 2018, dự toán thu từ doanh nghiệp nhà nước tăng hơn 13% so với ước thực hiện năm 2017, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 30%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 

tăng 20,4%. 

Một lý do nữa là thu ngân sách của 16 địa phương trọng điểm có điều tiết về Trung ương được giao tăng thu quá cao..., nhưng không đạt dự toán.

Rút kinh nghiệm từ việc giao dự toán các năm trước, năm 2019, Quốc hội thông qua dự toán thu ngân sách tăng 3,9% so với số ước thực hiện năm 2018, nhưng nếu loại trừ tác động của các yếu tố giảm thu khách quan thì thực tế, thu nội địa từ thuế, phí (không kể tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, bán vốn, cổ tức và lợi nhuận sau thuế) dự kiến tăng 12,8% so với số ước thực hiện năm 2018. Đối với 16 địa phương có điều tiết về Trung ương, dự toán thu năm 2019 tăng bình quân khoảng 13% so ước thực hiện năm 2018. Số ước thực hiện năm 2018 cũng được tính toán sát thực tế hơn. 

Tôi cho rằng, mức giao thu nội địa từ sản xuất - kinh doanh năm 2019 tăng 12,8%, trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3% so với ước thực hiện năm 2018 là phù hợp với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,6 - 6,8% và lạm phát khoảng 4%.

Thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không đạt dự toán còn có nguyên nhân là tình trạng thất thu thuế, trốn thuế, gian lận thuế, chuyển giá vẫn còn diễn biến khá phức tạp, thưa ông?

Cũng không thể phủ nhận tình trạng nợ thuế vẫn diễn biến phức tạp. Chính vậy, mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp tăng cường công tác thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, nhất là đối với các hoạt động kinh doanh qua mạng, nhà hàng, khách sạn, khu vực kinh tế phi chính thức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... 

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC (ngày 15/10/2018) với nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ đọng. 

Trong Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2019, Quốc hội đã chỉ đạo siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách; tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu NSNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quyết liệt chống thất thu thuế, chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử…  

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách không chỉ ở khâu thu, mà còn cả chi nữa, thưa ông?

Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn, phân bổ dàn trải, đội tổng mức đầu tư, giải ngân không đạt kế hoạch… Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN mặc dù có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn cao (năm 2017 chiếm 62,46%, năm 2018 chiếm 63,29%). Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản công còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp, thất thoát nguồn lực còn lớn. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự… 

Để chấn chỉnh tình trạng đó, dự toán NSNN năm 2019, Quốc hội tiếp tục yêu cầu tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; đẩy mạnh khoán sử dụng xe công; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; tăng cường quản lý, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, nhất là quản lý chặt chẽ về suất đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. 

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, địa phương nào hụt thu phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi. Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý ngân sách, tài sản công được giao.

Tin liên quan
Tin khác