Điểm nóng
Thủ đoạn tội phạm buôn người ngày càng tinh vi, số nạn nhân tăng cao sau 4 năm
Hồng Kiều - 25/02/2016 08:00
Trong khi các loại hình buôn bán người ngày càng đa dạng, tinh vi và khó phát hiện, sự ra đời của đường dây phòng chống mua bán người đã góp phần hạn chế tình trạng buôn bán người, đảm bảo người lao động di cư an toàn. Đặc biệt, những cuộc gọi thông báo về tình trạng buôn bán người được chuyển tuyến đã góp phần giúp đưa nạn nhân trở về với gia đình.
Công an Tây Ninh triệt phá đường dây bán phụ nữ sang Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)


Trở về nhờ đường dây nóng

Chỉ một phút nhẹ dạ, muốn kiếm việc làm để có tiền giúp đỡ mẹ, em gái 15 tuổi tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã rơi vào đường dây đưa người qua biên giới. Em bị đưa vào một nhà hàng karaoke ở sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Thấy con gái đi chơi đã 2 ngày mà không về, cha mẹ em vô cùng lo lắng, nhờ người đi tìm kiếm nhiều nơi nhưng không có kết quả. Đang trong tâm trạng lo lắng thì gia đình nhận được điện thoại của con gái gọi về báo tin bị giữ tại một quán karaoke, không rõ địa chỉ bên kia biên giới. Tin dữ khiến gia đình càng thêm hoang mang.

Chưa biết làm thế nào để giải cứu con, gia đình đã báo cho công an xã. Anh Tráng Văn Khoán, Công an viên xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết: “Nhận được tin báo của gia đình, tôi nghĩ ngay đến số điện thoại của Đường dây phòng chống mua bán người 18001567 để tìm kiếm sự hỗ trợ cho gia đình nạn nhân.”

Ngày 8/1/2015, Đường dây 18001567 tiếp nhận cuộc gọi của anh Tráng Văn Khoán thông báo tại địa phương anh có trường hợp một em gái bị lừa sang Trung Quốc kiếm việc làm. Ngay lập tức nhân viên tư vấn của Đường dây đã kết nối khẩn cấp với Phòng PC 45 (Công an tỉnh Hà Giang) đề nghị giải cứu em gái này. Công an tỉnh Hà Giang đã thành lập tổ công tác phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy bằng các biện pháp nghiệp vụ tìm cách giải cứu em.

Nhận thông tin kịp thời từ Tổng đài 18001567, công an tỉnh Hà Giang đã giải cứu thành công em gái 15 tuổi sau 3 ngày lưu lạc ở Trung Quốc. Em là một trong số không nhiều nạn nhân bị mua bán, đưa qua biên giới có may mắn được về đoàn tụ với gia đình. Hiện em đã trở lại trường học, được sống trong tình thương yêu chăm sóc của cha mẹ nhưng ký ức về những ngày ở bên kia biên giới thì thật khó phai mờ. Còn đối với cha mẹ em, đây sẽ là bài học không thể nào quên trong việc chăm sóc và quản lý con cái.

Lập đường dây nóng tại các “điểm nóng”

Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều quốc gia, nhiều cửa khẩu biên giới được mở để người dân giao lưu buôn bán, việc đi lại qua biên giới tiện lợi là điều kiện để bọn buôn người hoạt động. Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Một thiếu nữ người H'mông bị bán sang Trung Quốc đang ở nhà bảo hộ cho các nạn nhân buôn người ở Lào Cai. (Nguồn: AFP)


Theo thống kê của Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), năm 2010 cả nước xảy ra 444 vụ án mua bán người, 836 nạn nhân bị mua bán và đến năm 2014 xảy ra 469 vụ mua bán người với hơn 1.000 nạn nhân bị mua bán. Trong 4 năm, số vụ mua bán người tăng không nhiều nhưng số nạn nhân bị mua bán lại tăng cao, chứng tỏ mánh khóe và thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi khó kiểm soát.

Năm 2014, riêng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra 22 vụ mua bán người, có 32 nạn nhân bị mua bán. Đối tượng bị mua bán chủ yếu là phụ nữ trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em chưa có sự quan tâm đầy đủ từ cha mẹ. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị mua bán qua biên giới, bị ép làm gái mại dâm, làm vợ hoặc con nuôi bất hợp pháp.

Tại biên giới Tây Nam, tỉnh An Giang là địa bàn có tình hình buôn bán người diễn biến phức tạp. An Giang, có đường biên giới dài gần 100 km, với 2 cửa khẩu quốc tế là Vĩnh Xương, Tịnh Biên, 2 Cửa khẩu Quốc gia là Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và rất nhiều đường mòn, đường thủy thông thương sang Campuchia, thuận tiện cho việc qua lại trao đổi, mua bán của nhân dân hai nước. Từ đó bọn tội phạm mua bán người lợi dụng để tiến hành các hoạt động phạm pháp.

Đối tượng bị buôn bán thường là phụ nữ và trẻ em thuộc những hộ nghèo, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, không đủ trang trải mức sống, nhận thức còn hạn chế nên họ rất dễ bị dụ dỗ, lừa gạt. Nhiều trường hợp do muốn đổi đời nhanh chóng nên tự trốn qua biên giới bán dâm và trở về dụ dỗ các đối tượng khác. Trước tình hình này, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện Dự án Đường dây nóng phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.

Đường dây phòng chống mua bán người được vận hành tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội (1800 1567), Hà Giang (1800 1282) và An Giang (1800 8077). Đường dây nóng chính thức vận hành từ tháng 10/2013 là nơi tiếp nhận và kết nối thông tin từ người dân đến các cơ quan chức năng về phòng chống mua bán người, giải cứu nạn nhân.

Đây là nền tảng quan trọng để hình thành một mạng lưới đường dây nóng phòng chống mua bán người từ cấp trung ương đến các địa phương. Giai đoạn 1 của dự án Đường dây nóng phòng, chống mua bán người sẽ kết thúc vào tháng 3/2016.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết đến tháng 12/2015, đã có gần 5.000 cuộc gọi vào đường dây nóng thông tin về phòng, chống buôn bán người, trong đó khoảng 100 cuộc gọi đã được chuyển tuyến thành công đến các đơn vị có liên quan. Đặc biệt đã có hơn 20 trường hợp nạn nhân được giải cứu thành công nhờ đường dây nóng.

Hiện mỗi tháng cả ba tổng đài tiếp nhận hơn 250 cuộc gọi về phòng chống mua bán người. Trong bối cảnh tình hình tội phạm buôn bán người diễn biến phức tạp Đường dây cũng đã đã góp phần hạn chế tình trạng buôn bán người, giải cứu hàng chục trường hợp nạn nhân bị mua bán, đưa qua biên giới trở về với gia đình./.

Tin liên quan
Tin khác