Tài chính - Chứng khoán
Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước
Mạnh Bôn - 05/05/2021 08:24
Bộ Tài chính sẽ sớm có hướng dẫn thu lợi nhuận sau thuế đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Hết 3 quý phải nộp tối thiểu 75% lợi nhuận sau thuế cả năm

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải tạm nộp tối thiểu 80% số lợi nhuận còn lại (sau khi trích lập các quỹ) vào ngân sách nhà nước, số còn lại sẽ nộp sau khi quyết toán thuế. Trường hợp số lợi nhuận tạm nộp thấp hơn số phải nộp theo quyết toán thuế từ 20% trở lên thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số phải nộp với số đã tạm nộp.

Nhưng theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2021 trở đi), hàng tháng, DNNN phải tự xác định số lợi nhuận sau thuế còn lại và tạm nộp vào ngân sách nhà nước chậm nhất vào ngày 30 của quý sau. Tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số lợi nhuận sau thuế còn lại phải nộp theo quyết toán, nếu nộp thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền nộp thiếu.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ có vốn góp tại công ty cổ phần, công ty TNHH có trách nhiệm biểu quyết chi trả cổ tức, lợi nhuận đồng thời đề nghị, đôn đốc công ty cổ phần, công ty TNHH phần cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn góp về công ty mẹ. Trường hợp công ty cổ phần, công ty TNHH vi phạm thời hạn chia cổ tức, lợi nhuận thì công ty mẹ có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản của công ty mẹ để xử lý.

Quy định mới chặt chẽ hơn quy định hiện hành rất nhiều, nhất là đối với những doanh nghiệp chưa biết quý 4 làm ăn thế nào, lỗ lãi ra sao đã phải nộp tối thiểu 75% số lợi nhuận còn lại sau thuế của cả năm. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cũng như công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN là một trong những đối tượng phải lập báo cáo tài chính quý. Căn cứ vào báo cáo tài chính quý và tình hình sản xuất - kinh doanh thực tế cũng như dự báo quý tiếp theo, doanh nghiệp tính được số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý và số lợi nhuận sau thuế phải tạm nộp.

“Vì là tạm nộp (thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế còn lại) nên doanh nghiệp không thể tính được 100% số tiền phải nộp. Nhưng khi lập báo cáo tài chính quý và căn cứ vào tình hình thực tế, doanh nghiệp đều dự tính được số lợi nhuận sau thuế tạm nộp khá sát với số thực tế phải nộp. Nếu trong trường hợp quý 1 nộp thiếu thì quý 2 có thể nộp thêm nên trong 3 quý đầu năm vẫn bảo đảm nộp tối thiểu 75% số lợi nhuận phải nộp theo quyết toán”, bà Cúc nhận định.   

Lãnh đạo doanh nghiệp "chẳng dại gì mà vi phạm"

“Chấp hành sách thuế là một trong những tiêu chí xếp hạng hàng năm nên không doanh nghiệp nhà nước nào dại gì vi phạm để bị đánh tụt hạng”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, so với các loại hình doanh nghiệp khác thì DNNN làm ăn khá bài bản, chấp hành nghiêm túc pháp luật thuế cũng như pháp luật khác, hệ thống quản trị cũng rất tốt nên hàng tháng, hàng quý, DNNN xác định khá chính xác doanh thu, chi phí, nợ phải thu, nợ phải trả, hàng tồn kho, đầu tư tài chính, dự phòng, thu nhập… Và trên cơ sở đó DNNN xác định được phần thu nhập sau khi đã nộp thuế, được trích vào các loại quỹ bao nhiêu, lợi nhuận còn lại bao nhiêu và nộp số lợi nhuận còn lại vào ngân sách nhà nước bao nhiêu.

“Khác với doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chậm đóng góp nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước đồng nào thì được sử dụng số tiền đó vào sản xuất, kinh doanh, có cơ hội gia tăng lợi nhuận, còn với DNNN không ai dại gì mà lợi dụng vì khi quyết toán ngoài số thuế phải nộp, doanh nghiệp phải nộp toàn bộ lợi nhuận sau thuế vào ngân sách nhà nước. Họ không được hưởng lợi nên chấp hành quy định tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại rất tốt. Hơn nữa, việc chấp hành nghiêm túc chính sách thuế cũng như các pháp luật liên quan khác là một trong những tiêu chí quan trọng để Bộ Tài chính xếp hạng doanh nghiệp theo thứ hạng A, B, C nên chẳng doanh nghiệp nào dại gì vi phạm để bị đánh tụt hạng, lãnh đạo doanh nghiệp không được xếp tiên tiến, uy tín chẳng những bị giảm sút mà thu nhập cũng bị giảm do doanh nghiệp không được xếp thứ hạng cao”, ông Phụng nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Phụng, kể từ khi thực hiện thu lợi nhuận còn lại sau thuế (từ năm 2015) đến nay, chưa DNNN nào phàn nàn về quy định hiện hành.

“So với quy định hiện hành, quy định mới về thu lợi nhuận còn lại sau thuế đối với DNNN chặt chẽ hơn, nhưng tại các cuộc đối thoại giữa ngành tài chính với cộng đồng doanh nghiệp mới được tổ chức, không thấy doanh nghiệp nào lên tiếng, cho ý kiến đóng góp vào quy định mới, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn lên tiếng ủng hộ. Vì thực hiện theo quy định mới, hết 9 tháng đầu năm cứ nộp tối thiểu 75% số lợi nhuận còn lại theo quyết toán, số còn lại khi quyết toán (tháng 3 năm sau) nộp cũng chẳng sao, tránh trường hợp địa phương nào đó chưa hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, cơ quan thuế “động viên” doanh nghiệp “tạm ứng” nộp trước thuế và lợi nhuận sau thuế”, ông Phụng cho biết thêm.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là đơn vị được Thủ tướng giao tiếp nhận phần vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty TNHH. Hiện tại, SCIC có danh mục đầu tư tại khoảng 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước 39.199 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ 124.168 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, năm 2020, SCIC nộp ngân sách nhà nước 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch, trong đó có trên 5.000 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế và hàng ngàn tỷ đồng thu từ cổ tức phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc thu cổ tức nhà nước tại doanh nghiệp, theo ông Thành cũng không có vấn đề gì lớn phát sinh vì tất cả người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm túc yêu cầu của SCIC trong việc quản trị phần vốn nhà nước, tham gia quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là “thu đúng, thu đủ, thu kịp thời” cổ tức được chia của vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác