Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ lô dược phẩm Hàn Quốc không hóa đơn, chứng từ đi ra từ kho Cảng hàng không Nội Bài |
Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, gần 300.000 sản phẩm thuốc chủ yếu là thuốc trị ho, thuốc huyết áp, thuốc chữa đau đầu, thực phẩm chức năng giảm cân, miếng dán vết thương và các viên nén (mầu xanh, cam, trắng, hồng) chưa rõ công dụng đóng trong các túi nilong có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc được vận chuyển từ kho ALS – Cảng hàng không Nội Bài về địa chỉ Kiot 12 – Chung cư Vinaconex 3, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã bị Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ.
Cụ thể, ngày 11/3/2021, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành khám xe ô tô biển kiểm soát: 29C. 447.75 chở hàng từ kho ALS – Cảng hàng không Nội Bài về địa chỉ Kiot 12 – Chung cư Vinaconex 3. Kết quả khám xét, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện trên xe vận chuyển 299.900 đơn vị là các mặt hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc gồm: Thuốc trị ho, Thuốc huyết áp, Thuốc chữa đau đầu, Thực phẩm chức năng giảm cân, Miếng dán vết thương và các viên nén (mầu xanh, cam, trắng, hồng) chưa rõ công dụng được đóng trong túi ni lông.
Điều khiển phương tiện là ông Lê Đức Thành có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên thừa nhận toàn bộ số hàng hóa chở trên xe ô tô BKS 29C. 447.75 chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ cùng với xe ô tô vận chuyển để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra khá phức tạp trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, thực hiện Kế hoạch chống hàng lậu và gian lận thương mại theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Đội Quản lý thị trường số 1 vẫn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, đặc biệt theo đường hàng không.
Từ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cho thấy, mặc dù việc vận chuyển hành khách quốc tế không hoạt động hoặc bị ảnh hưởng lớn do diễn biễn phức tạp của dịch bệnh nhưng hàng hóa tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn được đưa về Việt Nam thông qua đường hàng không, trong đó không ít hàng hóa không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê khai hàng hóa nhập khẩu.
Cũng trong ngày 11/3, lô hàng khoảng 10.000 tuýp kem nám Melacare của Ấn Độ nhập khẩu trái phép về sân bay quốc tế Nội Bài đã được Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ.
Được biết, hàng hóa vi phạm, thuộc vận đơn chủ số 6072… và vận đơn thứ cấp số 2021… được vận chuyển trên chuyển bay mang số hiệu EY0971 của Hãng hàng không Etihad Airways đến sân bay quốc tế Nội Bài ngày 20/1/2021.
Người nhận hàng trên vận đơn chủ là HOANG HA FORWARDING TRADING LIMITED COMPANY NO. 25; NO. 15 ADJACENT BLOCK, VAN PHU URBAN AREA, PHU LA WARD, HA DONG DISTRICT, HANOI CITY, VIETNAM.
Người nhận hàng trên vận đơn thứ cấp là MR. DAO VAN GIANG, XA DOI BINH, HUYEN UNG HOA, HANOI, VIETNAM.
Đây là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện. Doanh nghiệp nhập khẩu phải được Bộ Y tế cấp phép Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, người nhận hàng trên vận đơn không xuất hiện, và lô hàng cũng không có các giấy phép theo quy định.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.