Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng hà . |
Hôm nay, 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung này đã được thảo luận tại tổ vào ngày 3/11 với 228 lượt ý kiến phát biểu.
Báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ nói trên vừa được Bộ Tài nguyên và môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Một vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn khi thảo luận tổ là quy định về thu hồi đất.
Nhiều ý kiến đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng , cần có khái niệm, điều kiện, tiêu chí cụ thể để đảm bảo tính minh bạch, tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW và Hiến pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người có đất thu hồi.
Cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ nội dung quy định về thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại, bởi vì đây là hoạt động kinh tế đơn thuần do chủ đầu tư là các doanh nghiệp bất động sản thực hiện. Việc Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi đất để chuyển giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án có thể làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện của người sử dụng đất.
Đại biểu đề nghị cần quy định theo hướng chủ đầu tư phải thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất theo hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nếu diện tích đất đó phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở. Bởi quy định này sẽ không công bằng với các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng thời cũng không công bằng với những người sử dụng đất thỏa thuận với nhà đầu tư các dự án thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, Nghị quyết số 18-NQ/TW xác định “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, do đó cần phải thu hồi đất để có quỹ đất phục vụ cho mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng .
Tuy nhiên Nghị quyết 18-NQ/TW cũng yêu cầu “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
"Đây là nội dung quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau, quyết định đến phương thức tiếp cận, chuyển dịch đất đai, ảnh hưởng đến việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, dễ phát sinh khiếu kiện. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đồng thời đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận quyết định vấn đề này trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai", cơ quan soạn thảo trình bày.
Với ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện, nội hàm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cơ quan soạn thảo cho biết Điều 86 Dự thảo Luật đã thể chế định hướng đổi mới chính sách đất đai theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó có quy định về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng đến từng loại dự án. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai.
Về thu hồi đất đối với dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở, báo cáo nêu, Nghị quyết 18-NQ/TW xác định “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, theo đó tại Điều 125 và Điều 126 dự thảo Luật đã quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, vì vậy trong trường hợp này Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai còn tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.
Đối với ý kiến quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, cơ quan soạn thảo cho biết dự thảo Luật đã quy định tại Điều 138.
"Tuy nhiên, nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì khi thực hiện đồng thời hai cơ chế sẽ có sự so bì về mức giá bồi thường gây phát sinh khiếu kiện. Đồng thời, khó thực hiện chủ trương Nhà nước giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra như yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW", cơ quan soạn thảo cũng nêu băn khoăn tại báo cáo.