Đại diện cho cử tri ở địa phương khá “nóng” về vấn đề đất đai trong mấy năm gần đây, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, Ban soạn thảo vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc thu hồi đất và trưng mua đất QSDĐ.
Không phản đối quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, nhưng theo ông Vinh, QSDĐ không phải chung chung, không phải sở hữu toàn dân mà có địa chỉ rõ ràng, cụ thể, vì thế khi Nhà nước thu hồi QSDĐ phải thực hiện trưng mua, trưng thu chứ không thể thu hồi bằng mệnh lệnh hành chính.
“Theo Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thảo luận, QSDĐ là tài sản của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo hộ. Người có QSDĐ có đầy đủ quyền mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, cầm cố, thế chấp… Vì vậy, trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì mới thực hiện trưng thu có đền bù thiệt hại cho người tổ chức, cá nhân theo giá quy định còn các trường hợp khác phải thực hiện trưng mua theo giá thị trường”, ông Vinh phát biểu.
“Doanh nghiệp và người dân là những chủ thể bình đẳng trong quan hệ với đất đai, bình đẳng trước pháp luật cả về quyền lợi và nghĩa vụ, nếu chỉ quy định thu hồi đất như trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi rõ ràng là đối xử không công bằng với người dân có đất bị thu hồi. Cụ thể ở đây là lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi chưa được tôn trọng và bảo vệ”, ông Vinh phát biểu.
| ||
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, bà Nguyễn Thanh Thụy |
Bà Nguyễn Thanh Thụy, ĐBQH tỉnh Bình Định cũng đồng tình với quan điểm phải bổ sung quy định về trưng mua, trưng dụng trong việc thu hồi đất.
Theo bà Thụy, trong trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công, tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi có thể chấp nhận giá đất thu hồi (trưng thu) mà Nhà nước đưa ra có thể chưa sát với thị trường. Nhưng họ khó có thể chấp tài sản trên đất cũng bị thu hồi với giá phi thị trường.
Bà Thụy cho rằng, nhà cửa, công trình kiến trúc, hoa màu, cây trồng trên đất là tài sản của người dân đã được pháp luật bảo hộ. Trường hợp Luật Đất đai và cả Hiến pháp đều quy định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu thì tài sản trên đất vẫn là của người dân nên phải có quy định về việc trưng mua tài sản trên đất theo đúng giá thị trường.
“Chúng ta không được nghĩ rằng, xử lý tài sản trên đất là hệ quả của việc thu hồi đất. Người dân có thể bị thiệt thòi về giá đất thu hồi nhưng không thể để họ bị thiệt thòi đối với tài sản trên đất bị thu hồi”, bà Thụy nói.
| ||
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, bà Lê Thị Nguyệt |
Giá đất đền bù khi thu hồi hiện nay, theo ĐBQH Lê Thị Nguyệt rất bất công đối với người có đất bị thu hồi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện về đất đai không những không giảm mà ngày một gia tăng.
Bà Nguyệt hy vọng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ có những quy định để giải quyết vấn đề này một cách triệt để.
Nhưng cũng như nhiều ĐBQH khác, bà Nguyệt cảm thấy thất vọng: “Vì hầu hết các nội dung trong Dự thảo chỉ là sự pháp điển hóa các văn bản quy phạm dưới luật hiện nay. Nếu Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Đất đai mà không tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung thì khó có thể xử lý những tồn tại, vướng mắc trong chính sách đất đai tồn tại từ nhiều năm nay”.
Theo nhiều ĐBQH, giá đất là một trong những mấu chốt của Luật Đất đai, nếu không quy định được các nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì khó có thể giải quyết được vấn đề khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.
“Giá đất để đền bù cho người dân dựa vào bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành hàng năm. Bảng giá này thường chỉ bằng 40 - 50% giá thị trường. Ở Hà Nội và TP.HCM, giá đất thu hồi chỉ bằng 18 - 20% giá thị trường nên khó có thể ngăn được người dân khiếu nại, khiếu kiện bởi quyền lợi chính đáng của họ bị ảnh hưởng”, bà Thụy phát biểu.
“Luật chỉ quy định thu hồi là chưa bao quát hết được thực tế trong thu hồi đất hiện nay. Hiện tại chỉ có một số ít đất đai thu hồi sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, còn lại đều thu hồi vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục vụ cho các dự án đầu tư, kinh doanh. Đối với những trường hợp này, Nhà nước không thể thu hồi đất mà phải trưng mua QSDĐ nên cần phải có quy định giao cho một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp trong việc xác định giá đất để bảo đảm công bằng, thỏa đáng theo đúng thị trường mới giảm được khiếu nại, khiếu kiện”, bà Nguyệt phát biểu.
Đến từ điểm nóng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, ông Trần Ngọc Vinh đề nghị tiếp tục nghiên cứu để sửa lại toàn bộ những quy định trong Dự thảo liên quan đến xác định giá đất, bôi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người có đất bị thu hồi hoặc trưng mua.
“Thu hồi đất hay trưng mua QSDĐ để phát triển kinh tế - xã hội cũng là vì người dân nên phải đặt vấn đề an dân lên hàng đầu. Nếu coi nhẹ an dân mà chỉ chú trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì mục tiêu này không còn nhiều ý nghĩa vì lòng dân không an sẽ tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện”, ông Vinh phát biểu.
Hàn Tín