Điểm nóng
Thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó vì Covid-19
An Nguyên - 14/09/2021 09:34
Số tiền thu được đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế mới chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 33.000 tỷ đồng.
Sân vận động Chi Lăng đến nay vẫn chưa giao mặt bằng sạch để tổ chức thi hành án trong vụ án Phạm Công Danh.         Ảnh: N.Đ

Vẫn còn thấp so với yêu cầu

Vốn là vấn đề rất khó, nên thu hồi tài sản tham nhũng luôn được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, thúc giục cần có các giải pháp hiệu quả hơn.

Giữa năm nay, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2/6/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.

Cùng thời điểm này của năm 2020, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng số tiền phải thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng là trên 75.000 tỷ đồng, số có điều kiện thi hành gần 49.000 tỷ đồng, đã thi hành xong trên 11.000 tỷ đồng, đạt 23,25%. Đây được nhìn nhận là một kết quả tích cực.

Hai đại án đọng gần 15.000 tỷ đồng

Một số vụ việc có giá trị tài sản lớn bị chậm tiến độ xử lý do ảnh hưởng của Covid-19 được Chính phủ “điểm danh” tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là vụ Phan Văn Anh Vũ - 3 tài sản là nhà đất tại TP.HCM giá trị ước đạt trên 6.000 tỷ đồng; các khu đất tại Đà Nẵng có giá trị ước đạt 1.100 tỷ đồng. Vụ Phạm Công Danh giai đoạn I và giai đoạn II với tài sản tại Đà Nẵng có giá trị ước đạt 7.500 tỷ đồng.

Ở báo cáo công tác thi hành án năm 2021, liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, Chính phủ cho biết, số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản trên 33.234,8 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được là 2.008,1 tỷ đồng. Lần này, báo cáo không nêu con số về tỷ lệ, nhưng có thể nhẩm nhanh tỷ lệ thu hồi được đạt khoảng 6%.

Lý giải kết quả quá thấp nói trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, người thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo cho biết, hiện nay, các cơ quan thi hành án dân sự đang tập trung xử lý tài sản, giải quyết thi hành dứt điểm một số vụ việc lớn có giá trị tài sản lớn như vụ Phan Văn Anh Vũ, Phạm Công Danh...

“Theo kế hoạch, những công việc này được thi hành trong những tháng giữa năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19, nên chưa thực hiện được theo tiến độ”, Bộ trưởng Lê Thành Long lý giải.

Người đứng đầu ngành tư pháp cũng khẳng định, xác định công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, nên trong năm qua, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này. Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cung cấp thông tin về hiện trạng, tình trạng pháp lý về đất đai, tài sản, thống nhất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi tài sản.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp xác minh, truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản..., tạo tiền đề thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản ở giai đoạn thi hành án dân sự.

Đánh giá chung, Bộ trưởng Lê Thành Long không còn khẳng định số tiền, tài sản thu hồi đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là “kết quả tích cực” như năm trước, mà nhận định là “vẫn còn thấp so với yêu cầu”.

Tập trung xử lý trong năm 2022

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận định, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn có những hạn chế.

Nhóm này cũng dẫn lại số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (số liệu không chỉ của khâu thi hành án) tại Báo cáo số 100/BC-VKSTC ngày 20/8/2021: tổng tài sản tham nhũng, kinh tế bị thiệt hại, chiếm đoạt trong kỳ là hơn 26.540 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 2.032 tỷ đồng, đạt 7,66%, giảm 51,37%.

Hồi âm ý kiến của Nhóm nghiên cứu tại phiên họp thường trực Ủy ban Tư pháp mở rộng tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thừa nhận, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn thấp đã ảnh hưởng đến kết quả thi hành án năm 2021 nói chung (kết quả thi hành về tiền của toàn hệ thống giảm 0,75% so với cùng kỳ). Một trong những nguyên nhân được Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh là ảnh hưởng rất lớn của Covid -19.

“Với đợt dịch vừa rồi, khoảng từ tháng 5 đến tháng 6, riêng các tỉnh phía Nam cùng địa bàn Hà Nội và Đà Nẵng, số tiền phải thi hành án chiếm 80% cả nước, nên ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt, địa bàn TP.HCM, từ ngày 31/5 thực hiện giãn cách xã hội đến nay và dự kiến kéo dài đến ngày 15/9 thì hầu như không tác nghiệp được, không thu được khoản thi hành án nào, trong khi số có điều kiện thi hành là 153.000 tỷ đồng, thì TP.HCM chiếm 53.000 tỷ đồng”, ông Khôi giải thích.

Riêng với thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, các vụ án này cũng rất đặc thù. Số tiền phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là rất lớn, chiếm 24,5% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành. Nhưng số này chỉ tập trung ở  TP.HCM và Đà Nẵng, với những đại án như Phan Văn Anh Vũ, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn. Chủ yếu các khoản thu nằm ở đây, chỉ có một phần ở Hà Nội.

“Chúng tôi cố gắng thực hiện và dự báo, nếu sau ngày 15/9 có mở ra (nới lỏng giãn cách - PV), anh em giao được tài sản, thì giá trị thi hành sẽ tăng lên đáng kể cho năm 2021, tuy nhiên, kết quả phải cố gắng tập trung xử lý trong năm 2022”, ông Khôi nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh đặc thù án kinh tế, tham nhũng là có những bản án tòa đã kê biên, phong toả, nhưng hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ban, ngành để xử lý hàng loạt vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản. Ví dụ, xử lý phát mãi quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết hạn sử dụng theo Luật Đất đai; xử lý các dự án đã được kê biên nhưng vẫn chưa đền bù, giải tỏa hết, chưa hoàn tất, còn rất nhiều thủ tục của dự án phải hoàn thành thì mới phát mãi được; phát mãi các cổ phiếu đảm bảo các khoản vay đặc biệt, phát mãi các cổ phiếu ở các ngân hàng đang trong giai đoạn phương án tái cơ cấu chưa được phê duyệt…

“Nếu tháo gỡ được những vướng mắc này, thì kết quả thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng sẽ tăng lên”, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhìn nhận.

Ông Khôi nêu ví dụ liên quan đến sân Chi Lăng trong vụ án Phạm Công Danh để bảo đảm khoản thi hành án 4.000 tỷ đồng. Sau rất nhiều năm, Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát làm việc với UBND TP. Đà Nẵng, vừa rồi, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo giao mặt bằng sạch sân Chi Lăng để tổ chức thi hành án theo đúng bản án đã tuyên vào tháng 7/2021.

“Nhưng tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng như vậy, nên tới giờ này vẫn chưa triển khai giao mặt bằng sân Chi Lăng được để tổ chức thi hành án”, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nói.

Tin liên quan
Tin khác