Đầu tư
Thu hút đầu tư nước ngoài vào Phú Yên: Tiềm năng còn bỏ ngỏ?
Như Loan - 18/03/2024 09:54
Trong những năm gần đây, cùng với việc “cởi trói" trong quy hoạch, thu hút đầu tư, tỉnh Phú Yên đã có những thay đổi nhất định. Nhưng, theo đánh giá của chuyên gia, việc thu hút đầu tư vào Phú Yên còn những tiềm năng chưa được “đánh thức”.

“Công chúa ngủ trong rừng"

Phú Yên là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng khi sở hữu gần 200 km bờ biển, có cảng biển nước sâu Bãi Gốc, vị trí gần đường hàng hải quốc tế, có đầy đủ các điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp động lực (luyện kim; lọc, hóa dầu; năng lượng...) gắn với cảng biển nước sâu; đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp… Không những vậy, tỉnh còn nằm trên hành lang kinh tế Bắc - Nam kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế.

Đặc biệt, khu kinh tế Nam Phú Yên nằm trong hành lang kinh tế biển, tiếp giáp Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định)... tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Yên trong liên kết phát triển các khu kinh tế, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của dải ven biển.

Phú Yên sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

Tỉnh cũng được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nước ngọt dồi dào, đảm bảo cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; có thể liên kết với khu kinh tế Vân Phong để cung cấp nguồn nước cho các ngành công nghiệp, dịch vụ. Ngoài ra, Phú Yên còn quỹ đất ven biển khá lớn, đó là dư địa để phát triển chuỗi đô thị ven biển trong tương lai.

Bên cạnh lợi thế tự nhiên, hạ tầng giao thông Phú Yên những năm gần đây cũng được đầu tư đồng bộ với: hệ thống đường bộ, đường sắt quốc gia, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng quốc gia đang đầu tư như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa phận Phú Yên; cảng biển Bãi Gốc, Vũng Rô, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đưa vào quy hoạch đầu tư và cảng hàng không Tuy Hòa đang triển khai lập quy hoạch để nâng cấp, mở rộng;... cũng tạo thành hành lang liên kết phát triển giữa Phú Yên với vùng kinh tế năng động trong nước.

Phát huy lợi thế sẵn có, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Phú Yên đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến hết năm 2023, Phú Yên đã thu hút được 54 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD đứng thứ 37 trong 63 tỉnh, thành phố. Thế nhưng, tỷ lệ vốn FDI trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 0,4% tổng vốn FDI cả nước, con số này chưa tương xứng với tiềm năng của Phú Yên. Việc hấp thụ vốn FDI của tỉnh còn nhiều hạn chế, số dự án bị giải thể trước thời hạn nhiều, tác động lan tỏa của khu vực FDI sang các khu vực kinh tế khác trong tỉnh chưa được phát huy, tiềm năng lớn của Phú Yên trong việc thu hút đầu tư vẫn chưa được khai thác triệt để.

Dễ đánh mất cơ hội vì “chậm chân"

Theo TS. Ngô Công Thành, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phó chủ tịch HĐTV ISC, việc thu hút đầu tư vào các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng đang ngày càng cạnh tranh gay gắt. Chính vì thế, bên cạnh việc phát huy tối đa tiềm năng sẵn có và lợi thế của địa phương, chính quyền Phú Yên phải chủ động hơn nữa trong việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp tiến xa.

“Phú Yên cần chuyển tư duy tích cực sang chủ động. Chính quyền không chỉ hỗ trợ, hợp tác khi các nhà đầu tư tìm đến mà cần phải chủ động đối thoại, săn tìm nhà đầu tư mới từ bên ngoài, vận động họ đến với địa phương. Các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát để giải quyết dứt điểm, có hiệu quả những vướng mắc, vấn đề đã được các doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị”, ông Thành nhấn mạnh.

Nhìn lại thực tế trong nhiều năm qua, khi hàng loạt dự án tỷ đô trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị thu hồi hoặc “đắp chiếu” như dự án Khu đô thị cao cấp Vườn Phượng Hoàng của Công ty TNHH Bất động sản IRBLand, trước đó là dự án Thành phố Sáng tạo của nhà đầu tư Galileo (Hoa Kỳ), Dự án trường đua Ngựa Phú Yên do Công ty Golden Turf Club Pty Ltd làm chủ đầu tư, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Từ Nham của Công ty Crescent Bay Devlopment Pte.Ltd, dự án New City Phú Yên của Công ty TNHH New City Việt Nam (Hàn Quốc) hay dự án Cù Lao Mái Nhà của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình… có thể thấy sự chậm trễ trong quá trình triển khai các dự án đã gây thiệt hại cho Nhà đầu tư và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Nhìn từ tiềm năng sẵn có tại địa phương và thực tế các dự án tỷ đô được phê duyệt, triển khai trên địa bàn, trong những năm qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Phú Yên còn gặp nhiều trở ngại. Hạ tầng cơ sở kỹ thuật của tỉnh mặc dù được cải thiện nhưng thực chất còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Sân bay Tuy Hòa là sân bay nhỏ, tần suất bay thấp, chưa có nhiều hãng hàng không khai thác chuyến bay, chỉ có điểm đến tại Hà Nội và TP.HCM, không có chuyến bay sau 16 giờ do hệ thống đèn chưa hoàn chỉnh, chưa có đường bay tuyến quốc tế, chưa được đầu tư thỏa đáng. Cảng biển nhỏ, ít được đầu tư nên xuống cấp, các tàu hàng quốc tế có trọng tải lớn không thể vào ra tự do. Thêm vào đó, hệ thống xử lý chất thải trong khu vực vừa thiếu vừa lạc hậu nên tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục.

Sân bay Tuy Hoà chưa có nhiều hãng hàng không khai thác chuyến bay.

Một khó khăn khác trong việc thu hút FDI vào Phú Yên là dịch vụ cao cấp phục vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài còn khan hiếm. Khi các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại địa phương, bên cạnh mục tiêu lợi ích kinh tế thì họ cần được thụ hưởng các giá trị khác của cuộc sống, đặc biệt về đời sống tinh thần sau những giây phút làm việc căng thẳng. Họ cần có các dịch vụ cuộc sống chất lượng cao, các dịch vụ vui chơi giải trí phù hợp, các trường học tiêu chuẩn quốc tế dành cho trẻ, thế nhưng các điều kiện này tại Phú Yên lại chưa có đủ để đáp ứng.

Ngoài ra, dịch vụ công tại Phú Yên cũng chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Sự tăng trưởng chỉ số PCI chưa đáp ứng kỳ vọng, theo kết quả xếp hạng năm 2022, chỉ số PCI của Phú Yên là 64,8 điểm, xếp vị trí 39 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước. Trên thực tế, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh vẫn chưa thật sự cải thiện, kém xa so với các tỉnh lân cận như Bình Định, Nhà Trang, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống hành chính và chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề chưa cải thiện, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp FDI để thu hút đầu tư về địa phương.

Tiềm năng nhiều, nhưng thách thức cũng không ít. Làm sao để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn vốn lớn trong và ngoài nước đến địa phương, làm sao để tiềm năng không bị lãng phí hay khai thác nửa vời? Để có những dự án xứng tầm, Phú Yên cần sớm giải quyết khó khăn, chủ động tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược giàu kinh nghiệm để đầu tư hiệu quả và tiếp tục khai thác tiềm năng mới.

Tin liên quan
Tin khác