Gần một năm sau Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Y tế về hợp tác tăng cường Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu, Tập đoàn Novartis đã triển khai dự án tại Hà Tĩnh, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh.
Được biết, dự án này sẽ được Novartis triển khai trên 8 tỉnh thành. Đây là hoạt động hợp tác tiên phong trong khuôn khổ điều phối của Nhóm Công tác về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu của Bộ Y tế vừa được thành lập, là một minh chứng cho hợp tác công - tư trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại buổi khởi động dự án tại tỉnh Khánh Hòa tổ chức vào tháng 11 vừa qua, ông Singvi Sandeep – Giám đốc tài chính của Novartis, chia sẻ dự án ước tính sẽ mang lại các dịch vụ y tế chất lượng cho khoảng 10.000 người dân trên địa bàn tỉnh, tập trung vào đối tượng người trên 40 tuổi hoặc dưới 40 tuổi có tiền sử, triệu chứng tăng huyết áp, đái tháo đường.
Theo đó, dự án hướng đến việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở thông qua mô hình dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm tại 3 trạm y tế triển khai mô hình điểm thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, theo chiến lược và các chương trình của Bộ Y tế.
Có thể nói đây là một ví dụ về hiệu quả của đầu tư tư nhân trong lĩnh vực y tế trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước có hạn, và nhu cầu phát triển gia tăng.
Hội thảo triển khai dự án tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Khánh Hòa |
Động lực mới – cơ hội mới
Theo các chuyên gia của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều nước trên thế giới hiện nay đều đang phải đối mặt với áp lực tài chính công ngày càng tăng đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt là y tế. Và hình thức PPP có thể huy động nguồn tài chính tư nhân, tăng khả năng tiếp cận và hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân.
Tại Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết nhu cầu chăm sóc y tế của người dân ngày càng cao, tình trạng quá tải của các bệnh viện công (đặc biệt ở tuyến Trung ương), sự phát triển mạnh các phòng khám và bệnh viện tư nhân… là những điều kiện thuận lợi để mô hình PPP trong lĩnh vực y tế phát triển.
Đến nay, các hình thức liên doanh, liên kết xã hội hóa trong đầu tư trang thiết bị giữa các bệnh viện công lập và tư nhân đã huy động được nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, việc thiếu một hệ thống cơ chế, chính sách toàn diện về PPP trong y tế, từ loại hình đầu tư đến thủ tục triển khai phức tạp, cơ chế sử dụng vốn Nhà nước vào các dự án chưa rõ ràng… đã khiến việc các dự án PPP trong lĩnh vực y tế chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân.
Những vướng mắc đó được kỳ vọng sẽ được giải quyết khi Luật PPP có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các dự án PPP, trong đó có PPP y tế.
Theo Luật PPP, y tế là một trong các lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Luật PPP cũng đưa ra nhiều cơ chế thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp nhà đầu tư tham gia các dự án PPP. Ví dụ: Cơ chế chia sẻ rủi ro, tiếp cận và sử dụng đất đai, chính sách ưu đãi về thuế, phí sử dụng đất…
Ngoài Luật PPP, Hiệp định thương mại tư do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư châu Âu nhờ các cam kết mở cửa của thị trường của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực mà các doanh nghiệp đã tìm kiếm từ lâu như sở hữu trí tuệ, quyền nhập khẩu dược phẩm trực tiếp, đấu thầu…
Nhiều chuyên gia nhận định cơ hội cho đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế đang rộng mở. Ở châu Mỹ Latin, châu Á, y tế tư nhân chiếm khoảng 20-30%, trong khi đó tỷ lệ này ở Anh là 10%, Thái Lan 24%, Ấn Độ 93%. Tuy nhiên ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ 5,4%.
Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam cho biết, “ngành Y tế hiện đang thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn trong bối cảnh còn nhiều thách thức. Vì thế, ngành y tế luôn khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia”.