Tập đoàn LG đã đầu tư gần 6 tỷ USD vào Hải Phòng. (Ảnh: Thanh Tân) |
Chất lượng dòng vốn được nâng cao
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hải Phòng thu hút 218 dự án FDI, tổng giá trị đạt gần 9 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2015 trở về trước, gần gấp đôi số vốn đầu tư trong nước thu hút được (106.323 tỷ đồng).
Từ đầu năm 2021 đến nay, bất chấp đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng dòng vốn FDI vào Hải Phòng không bị gián đoạn. Tính đến hết tháng 7, tổng vốn thu hút vào các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là trên 1,4 tỷ USD, đạt gần 58% kế hoạch năm 2021, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2020. LG Display vừa tăng vốn vào cuối tháng 8/2021 thì vượt chỉ tiêu 2,5 tỷ USD đề ra từ đầu năm. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đã thu hút được 418 dự án FDI với tổng số vốn 17,37 tỷ USD.
Theo đánh giá của ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý KKT Hải Phòng (Heza), vốn FDI không chỉ tăng mạnh về quy mô, mà chất lượng cũng được nâng cao. Hải Phòng đang tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
Trong đó, Tập đoàn LG đến từ Hàn Quốc đã triển khai 4 dự án lớn gồm LG Display, LG Electronics, LG Innotek, LG Chem, có tổng vốn đầu tư lên đến 5,053 tỷ USD. Mới đây LG Display đã có lần tăng vốn thứ 2 trong năm 2021 lên thêm 1,4 tỷ USD nữa, qua đó nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng đến thời điểm hiện tại. Đó là chưa kể các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ đi theo tập đoàn này cũng đầu tư vào Hải Phòng. Tập đoàn Brigestone Nhật Bản cũng đã đầu tư 1,224 tỷ USD, hay Regina Miracle HongKong đầu tư 900 triệu USD…
Những thách thức mới
Kết quả đạt được là đáng kể, song ông Lê Trung Kiên cho rằng, vẫn còn những hạn chế, thách thức trong giai đoạn tiếp theo đối với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Tốc độ tăng trưởng thu hút đầu tư tại khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 tăng nhanh, nhưng qua phân tích, nguồn vốn thu hút được chủ yếu tập trung vào một vài thương hiệu đã có tên tuổi. Chỉ tính 3 tập đoàn lớn là LG, Brigestone, Regina Miracle đã chiếm tỷ trọng 82,2%; hơn 200 dự án còn lại chỉ chiếm 17,8% tổng vốn, với trung bình 8,6 triệu USD/dự án.
“Do đó, để có thể hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 đạt 12,5 - 15 tỷ USD, thách thức đặt ra là phải đặt trọng tâm thu hút những nhà đầu tư lớn, đóng góp cho ngân sách tương xứng với nguồn lực Thành phố đã đầu tư”, ông Kiên nhận định.
Lực lượng lao động hiện tại trong các khu công nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông với trên 30% là lao động ngoại tỉnh (hơn 50.000 người); việc thu hút, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp là tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cao, khi các tỉnh, thành phố giáp ranh với Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, cùng các cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn.
Giao nhiệm vụ cho Heza, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã nhấn mạnh, chỉ tiêu thu hút đầu tư của giai đoạn 2021 - 2025 là cao, trong khi đó, công tác xúc tiến đầu tư sẽ bị hạn chế nhiều bởi dịch bệnh. Do đó, Heza cần phải chủ động tìm kiếm, có những tham mưu, đề xuất để thu hút được những dự án lớn, có chất lượng, đảm bảo về môi trường và đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố.
Heza phải sớm phối hợp, thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Heza cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ các nhà đầu tư khi đến với Hải Phòng.