Đầu tư
Thu hút FDI: Cần loại bỏ tư duy quản lý đối phó
Phan Hằng - 11/01/2014 08:45
Tinh thần Nghị quyết 103 của Chính phủ về chuyển hướng thu hút đầu tư nước ngoài từ lượng sang chất nhận được sự đồng thuận lớn tại hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” vừa diễn ra tại TP.HCM. Guồng quay mới trong thu hút, quản lý FDI

Bình đẳng giữa DN trong nước với DN ĐTNN

Trong phát biểu đề dẫn, GS TSKH Nguyễn Mại đã đề cập thẳng thắn, cần có tư duy và hành động mới về đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, trong đó vấn đề quan trọng nhất là các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố phải tự nhận biết những điểm yếu của công chức và bộ máy hành chính đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục hành chính, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp FDI triển khai dự án và khắc phục khó khăn trong kinh doanh để xử lý nhanh và có kết quả những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI kiến nghị.

Cần có tư duy và hành động mới về đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI

Đồng thời, cần quan tâm đến đánh giá môi trường đầu tư của các tổ chức quốc tế, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ý kiến của các hiệp hội ngành nghề nước ngoài và trong nước tại các cuộc đối thoại.

Thêm vào đó, chừng nào mà lãnh đạo bộ và UBND tỉnh, thành phố chưa coi trọng việc tự đánh giá năng lực của bộ máy và công chức thì chỉ bị động đối phó với dư luận, không thể đề ra được giải pháp cơ bản để cải thiện môi trường đầu tư của đất nước và từng địa phương.

Ngoài ra, GS Nguyễn Mại cũng chỉ ra, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố con số hơn 500 doanh nghiệp FDI ngừng hoạt động với số vốn gần 1 tỷ USD, trong đó có nhiều chủ doanh nghiệp đã bỏ về nước. Đành rằng trong kinh tế thị trường khó mà đạt được kết quả 100% dự án FDI thành công, vẫn có một tỷ lệ thất bại, nhưng việc chậm trễ trong việc xử lý tình trạng đó là khiếm khuyết trong quản lý nhà nước.

Do vậy, đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI là yêu cầu cấp bách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài: “chính sách và luật pháp mới phải tạo thuận lợi hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp”.

Khi đã có định hướng mới về FDI thì cần có nhận thức đúng về tác động của FDI, thống nhất hành động từ trung ương đến địa phương, đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI để khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Một trong những gợi ý về công tác đổi mới được GS Nguyễn Mại chỉ ra rằng:

Thứ nhất, từng địa phương nên có thống kê và lựa chọn những DN có thể làm thí điểm để làm sức lan tỏa FDI cao hơn, có thể xem xét chỉ đạo các địa phương làm thí điểm tìm ra mô hình để tạo ra mối liên kết từng địa phường, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm.

Thứ hai, chú trọng phát triển KCN chuyên ngành, đây là xu hướng của thế giới. Việt Nam trước đây phát triển KCN đa ngành và đang phải trả giá về vấn đề này.

Thứ ba, xuất phát từ lợi ích quốc gia, có quy hoạch ngành, quy hoạch lãnh thổ…khi đã có quy hoạch thì các DN ĐTNN phải theo quy hoạch, nếu vi phạm sẽ làm méo mọ sự phát triển của quốc gia.

Chia sẻ quan điểm này ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp: Tuy nhiên tinh thần xuyên suốt của các giải pháp này là không biệt giữa DN trong nước với doanh nghiệp ĐTNN.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Thứ hai, điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư.

Thứ ba, hoàn thiện tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Thứ tư, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Bằng cách nào?

Bình luận về những giải pháp trên, bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, cần chú trọng công tác quy hoạch trước khi triển khai đầu tư để tránh sự chồng chéo. Đồng thời cần có sự thống nhất trong kịch bản xúc tiến đầu tư của các địa phương, thực tế hiện nay hầu hết các tỉnh thành đều trải thảm đỏ để thu hút, nhưng chưa có ai đánh giá hiệu quả các dự án này và vô hình chung quyền lợi quốc gia bị thiệt hại.

Theo GS Huỳnh Ngọc Phiên, nguyên Chủ tịch Công ty phát triển KCN Amatar, kêu gọi đầu tư vào công nghệ cao cần minh bạch và chính sách rõ ràng là lĩnh vực nào, ngành nghề gì và phải định hướng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ông Vũ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam nêu đề xuất, trong chính sách thu hút đầu tư cần chú trọng thu hút công nghiệp phụ trợ, rất nhiều nhà đầu tư công nghiệp phụ trợ muốn vào Việt Nam nhưng không biết bắt đầu với ngành nghề gì, được ưu đãi gì và phải đầu tư ở đâu?

Trả lời những vấn đề nêu ra của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về công tác quy hoạch, Thứ trưởng khẳng định có 4 loại quy hoạch cơ bản: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cho các vùng, địa phương; Quy hoạch về ngành, lĩnh vực; Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế một đơn vị diện tích tại Việt Nam hiện nay phải gánh đến 180-200 quy hoạch khác nhau. “Đây là bất cập cần chấn chỉnh”, ông Trung khẳng định.

Việc thí điểm phân cấp quản lý đầu tư trong thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Về cơ bản yêu cầu của Luật là tạo điều kiện thông thoáng cho DN thành lập, tuy nhiên thực tế nhiều DN lợi dụng điều này để vay nợ, bỏ trốn để lại hậu quả vô cùng phức tạp trong khâu xử lý đang gây ra sự lúng túng cho cơ quan chức năng cũng cần phải điều chỉnh bằng văn bản luật. “Quan điểm xuyên suốt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là quyết tâm đổi mới môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư làm ăn chính đáng, hợp pháp tại Việt Nam” ông Trung khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác