Vướng mắc kinh điển
Câu chuyện Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar buộc phải xin hủy niêm yết vào tháng 7/2012 để cứu doanh nghiệp (DN) khỏi “cái ách” của công ty có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn được nhắc tới như một hậu quả điển hình từ sự không rõ ràng của một số quy định tại Luật Đầu tư.
| ||
Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar buộc phải xin hủy niêm yết vào tháng 7/2012 để tránh phiền toái khi có vốn đầu tư nước ngoài |
Giờ thì Mekophar đã không còn là DN niêm yết nữa, nhưng nỗi ấm ức của DN buộc phải rời sàn để làm sạch vốn của nhà ĐTNN chắc vẫn còn.
Chỉ với 4,7% cổ phần do đối tác nước ngoài nắm giữ, nhưng Mekophar đã rơi vào trường hợp phải giám sát theo điều kiện của lĩnh vực phân phối, bán lẻ dược dành cho DN có vốn ĐTNN và đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM từ chối đề nghị mở rộng hoạt động này.
Điều đáng nói là, cũng trong tình thế tương tự, nhưng nhiều DN cùng ngành dược phẩm, khi đi làm thủ tục ở các địa phương khác lại vẫn nhận được sự cho phép từ các cơ quan có thẩm quyền.
Cũng phải nói thêm rằng, ngay khi Luật Đầu tư năm 2005 được ban hành, sự rối rắm trong khái niệm nhà ĐTNN, DN có vốn ĐTNN cũng đã được bàn tới, khi những va chạm giữa thủ tục đăng ký kinh doanh giữa DN trong nước và DN có vốn nước ngoài chiếm dưới 49%... liên tục diễn ra. Khi đó, để xử lý, nhiều văn bản hướng dẫn mang tính hành chính đã xuất hiện.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thẳng thắn thừa nhận, nguyên nhân của tình trạng này là do Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP chưa quy định rõ khái niệm nhà ĐTNN và DN có ĐTNN, nên việc xác định địa vị pháp lý (quyền, nghĩa vụ), điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh của các đối tượng này chưa có quan điểm thống nhất giữa các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Vướng mắc này đã hạn chế đáng kể sức hấp dẫn trong các quy định thông thoáng của Luật Đầu tư về điều kiện và thủ tục đầu tư”, ông Hùng nói và cho biết, Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư đang đề xuất phương án phân biệt dựa trên tỷ lệ sở hữu theo nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế và không gây xáo trộn lớn tới hoạt động của các DN ĐTNN.
Thu hẹp phạm vi của giấy chứng nhận đầu tư
Luật sư Lê Nga của Công ty Luật Hà Việt đã từng đưa ra một ví dụ để minh chứng cho sự lúng túng trong quy định pháp lý về việc xử lý quy định về đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư đối với DN có vốn ĐTNN.
Một DN có vốn ĐTNN kinh doanh ngành, nghề lắp đặt thiết bị với mức vốn 1 tỷ đồng, nếu được thành lập theo thủ tục đăng ký kinh doanh thì mất khoảng 10 ngày làm việc, nhưng nếu thành lập theo thủ tục đăng ký đầu tư kết hợp với đăng ký kinh doanh hiện hành thì mất khoảng 25 ngày. Chưa tính tới chi phí mà DN phải chịu, song việc làm khó cho những DN hoạt động trong các lĩnh vực bình thường khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại ngay từ bước thủ tục.
“Chúng ta nên mạnh dạn bỏ tư tưởng làm thế nào để quản lý chặt chẽ nhất DN có vốn ĐTNN và thay thế bằng việc quản lý sao cho hiệu quả. Đây là cách thu hút ĐTNN bền vững và cạnh tranh nhất”, luật sư Lê Nga đề xuất khi góp ý về văn bản rà soát Luật Đầu tư do VCCI thực hiện.
Đây cũng chính là một nội dung được đặt ra một cách thẳng thắn trong Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư. Ông Hùng cho biết, thủ tục thực hiện dự án đầu tư chung sẽ được sửa căn bản theo hướng thu hẹp phạm vi dự án phải thực hiện thủ tục đầu tư. “Ban soạn thảo đề nghị chỉ áp dụng thủ tục này đối với dự án phải đánh giá tác động môi trường; dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; dự án đầu tư có điều kiện; dự án đề nghị được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư”, ông Hùng cho biết.
Đặc biệt, đây cũng là thủ tục áp dụng với DN do nhà ĐTNN thành lập. Điểm khác biệt, theo ông Hùng là khi có nhu cầu thực hiện dự án tại Việt Nam, nhà ĐTNN làm thủ tục đăng ký kinh doanh để thành lập DN. Việc kiểm tra điều kiện áp dụng cho nhà ĐTNN sẽ có cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện.
Khánh An