Dây chuyền sản xuất trong nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên. |
“Khoảng lặng” trong thu hút FDI
Cuối cùng, một tập đoàn lớn của Mỹ, từng được Báo Đầu tư nhắc đến là đang muốn đầu tư một dự án quy mô hàng tỷ USD ở khu vực châu Á và điểm đến có thể là Việt Nam, đã chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng về kế hoạch đầu tư của mình.
Dịch Covid-19 không chỉ bùng phát ở Trung Quốc như cách đây 1 tháng, mà đã lan rộng ra toàn cầu, bao gồm cả Mỹ. Các lệnh hạn chế đi lại khiến nhà đầu tư buộc phải hủy chuyến công tác tới Việt Nam, nên cũng buộc phải trì hoãn việc ra quyết định đầu tư.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong danh sách các nhà đầu tư thuộc diện “trì hoãn” như vậy, có tên cả các đại gia sừng sỏ như Apple, ExxonMobil. Danh sách chắc chắn không dừng lại ở đó, bởi trong hơn 1 tháng qua, gần như không có bất cứ đoàn doanh nghiệp nước ngoài nào tới tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các địa phương.
Trong khi đó, Công ty Shan Hong Việt Nam vừa phải có văn bản xin giãn tiến độ góp vốn đến tháng 9/2020 và giãn tiến độ triển khai dự án tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II - Nhơn Phú (Đồng Nai) đến tháng 11/2020. Nhẽ ra, Shan Hong phải thực hiện cam kết của mình trong quý I/2020. Lý do, tất nhiên, xuất phát từ việc dịch bệnh lan rộng, khiến việc đi lại của chủ đầu tư và các chuyên gia gặp khó khăn.
Nhưng Shan Hong cũng không phải là trường hợp duy nhất. Theo ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong 20 dự án đầu tư của Trung Quốc tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai có kế hoạch triển khai trong quý I, quý II năm nay, một số dự án khác cũng đã xin giãn tiến độ triển khai.
Ở Hải Dương cũng vậy. Không chỉ phải giãn tiến độ sản xuất, một số dự án cũng đã phải giãn tiến độ triển khai. Poongsan System, Bơm Ebara Việt Nam… là những ví dụ điển hình.
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư mới, đầu tư mở rộng, mà còn ảnh hưởng mạnh tới tiến độ triển khai các dự án. Đó là lý do vì sao, Việt Nam đang có một “khoảng lặng” trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, chuyện vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm là hoàn toàn dễ hiểu, bởi dịch Covid-19 lan rộng. Bởi thế, dù không khỏi lo lắng, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là vấn đề mang tính thời điểm, do tác động chung của dòng đầu tư toàn cầu, chứ không liên quan đến sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam.
Sẵn sàng cho cơ hội mới
Nếu vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm ở thời điểm này là điều khó tránh, thì điều quan trọng là làm sao vực dậy được dòng vốn này ngay sau khi dịch bệnh qua đi.
Trên thực tế, dù dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang sụt giảm, song vẫn có thể nhìn thấy những tín hiệu tích cực từ các con số này. Chẳng hạn, vốn đầu tư mới vẫn tăng; hay số lượt đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng tăng khá so với cùng kỳ. Trong quý đầu năm nay, có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 52,6% so với cùng kỳ. Ngay cả vốn giải ngân, mức sụt giảm 6,6% không phải quá lớn và trên thực tế, có thể coi là vẫn giữ được nhịp độ. Chỉ cần dịch bệnh qua đi, tình hình sẽ được cải thiện.
“Trong bối cảnh hiện nay, phải tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, như tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài, đồng thời xem xét, giải quyết các đề xuất xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án đầu tư…”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đề xuất.
Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với việc quyết liệt dập dịch, theo Cục Đầu tư nước ngoài, chính là cách để Việt Nam quảng bá và xây dựng “thương hiệu Việt Nam” như một điểm đến an toàn cho du lịch và đầu tư, qua đó tạo cơ hội để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi dịch bệnh qua đi.
Theo dự báo, hoạt động đầu tư quốc tế đang chịu nhiều tác động. Dòng đầu tư quốc tế từ các quốc gia châu Âu, Mỹ, Trung Quốc có thể bị suy giảm. Trong khi đó, cùng với các rủi ro địa chính trị, môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu trở nên bất trắc hơn, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co cụm, do đó làm suy yếu động lực đầu tư.
Tuy nhiên, xu hướng phân tán rủi ro trong đầu tư quốc tế cũng sẽ được đẩy mạnh hơn theo hướng không tập trung vào một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể và cũng sẽ đầu tư theo hướng sắp xếp lại mạng lưới sản xuất, chuỗi ung ứng khu vực và toàn cầu.
Xu hướng này chính là cơ hội cho Việt Nam. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia từng đưa ra nhận định như vậy. Ngay cả tờ New York Times (Mỹ) cũng dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ “có thể được đẩy nhanh hơn” do dịch Covid-19.
Và không chỉ là như vậy, đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuẩn bị đón dòng đầu tư có chất lượng hơn, thông qua việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hành động theo Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Vốn tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019;
Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 2 tỷ USD, bằng 34,4% so với cùng kỳ;
Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân chỉ đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019.