Đầu tư
Thu hút FDI: Muốn đón “đại bàng”, không thể ôm tư duy cũ
Lê Quân - 05/06/2020 08:33
Muốn đón “đại bàng” về làm tổ, Việt Nam không thể “ôm” tư duy cũ, cách làm cũ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mà phải đổi mới đồng bộ.
Trong giai đoạn mới, thu hút FDI cần phải chuyển sang trạng thái chủ động “đi săn” những nhà đầu tư lớn đáp ứng yêu cầu, phù hợp với hạ tầng và mang lại lợi ích lớn nhất. Trong ảnh: Nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên. Ảnh: Đ.T

Chuyển sang trạng thái “đi săn”

Cả chuyên gia trong nước lẫn quốc tế đều cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là điều rất cấp thiết để Việt Nam đón luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới sau những biến cố như thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Nhưng cải cách thế nào để thu hút được FDI theo chính sách được xem là đột phá như Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 20/8/2019 (Nghị quyết số 50) thì còn nhiều tranh luận.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), gần đây, vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, hướng đến phát triển bền vững đã được đem ra mổ xẻ nhiều. Các phân tích cho thấy, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thời gian qua chỉ mới tập trung vào cắt giảm lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Ông Dương cho rằng, muốn thu hút đầu tư nước ngoài có hiệu quả, có chọn lọc, thì việc Việt Nam chủ động đưa ra, áp dụng các tiêu chuẩn chọn lọc là rất quan trọng, bởi lẽ sau 30 năm thu hút FDI, điều Việt Nam cần nhất từ nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không phải vốn, mà là hợp tác nâng cao năng lực và kết nối với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ.

Ở độ khác, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng theo Nghị quyết số 50, đòi hỏi hệ thống cơ quan hành chính phải có sự thay đổi tương thích, chuyển đổi trạng thái hoạt động.

“Các cơ quan quản lý đang thực hiện thu hút FDI ở trạng thái tích cực thụ động, tức là nhà đầu tư đến, thì họ giải quyết thủ tục đầu tư rất nhanh chóng và thuận lợi. Nhưng trong giai đoạn mới, thu hút FDI cần phải chuyển sang trạng thái tích cực chủ động, nghĩa là chủ động “đi săn” những nhà đầu tư lớn đáp ứng yêu cầu, phù hợp với hạ tầng và mang lại lợi ích lớn nhất”, ông Tuấn nói.

Theo quan sát của ông Tuấn, mức độ chủ động thu hút FDI của các cơ quan chức năng chưa nhiều, kể cả cấp bộ, lẫn cấp tỉnh, thành phố. Rất hiếm tỉnh, thành phố đi “săn” các nhà đầu tư chất lượng cao phù hợp với địa phương mình.

Cải cách phần gốc

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, gần đây nổi lên 2 yếu tố tích cực về cải cách của Việt Nam, bao gồm tốc độ và cơ chế đặc biệt. Tốc độ ban hành và thực thi các biện pháp hành chính đối phó với Covid-19 là điều rất đáng khen ngợi và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với cơ chế đặt biệt, có thể thấy rõ nhất qua việc Thủ tướng Chính phủ mới đây đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt để thu hút dòng FDI dịch chuyển vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Thành, tốc độ cải cách vẫn cần tiếp tục được lưu tâm sau Covid-19. Về việc cải cách thể chế và thu hút đầu tư nước ngoài, rất cần đẩy nhanh tốc độ cải cách, bởi nếu chậm chân, thì không đón được “đại bàng”, mà sẽ chỉ vợt được “chim sẻ”. Đã đến lúc, Việt Nam phải chuyển sang môi trường kinh doanh thúc đẩy, tạo điều kiện, thay vì môi trường ngăn chặn, cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh đơn thuần.

Thực tế, nhìn theo chu kỳ kinh doanh, thời gian qua, Việt Nam tập trung rất nhiều vào cải thiện môi trường kinh doanh ở phần ngọn, như khâu gia nhập thị trường, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, vấn đề hợp đồng kinh doanh và thực thi hợp đồng còn rất yếu, chưa kể những yếu kém ở khâu cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực, cải cách đất đai, sở hữu tài sản…

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, Việt Nam đã đi bước dài trong đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, nhưng hiện là giai đoạn khó hơn của cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là phải giải quyết những vấn đề gốc rễ của việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, như cạnh tranh kinh doanh, chất lượng điều hành doanh nghiệp, bảo đảm tài sản, giải quyết tranh chấp… Điều này đòi hỏi công tác cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh phải mạnh mẽ hơn, mức độ và tốc độ thay đổi lớn hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, để thu hút dòng FDI có chất lượng, thay vì cải cách kiểu vướng đâu gỡ đấy, trống đâu lấp đấy, Việt Nam cần chủ động kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn bằng cải cách đồng bộ từ hạ tầng giao thông, logistics, đến con người.

Ông Jason Yek, chuyên gia phân tích rủi ro châu Á của Fitch Solutions dự báo, nếu Việt Nam không sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logisitics và chất lượng nguồn nhân lực, thì thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo của Việt Nam sẽ sụt giảm trong thời gian tới, trong khi FDI vào lĩnh vực xây dựng và dịch vụ có thể tăng trưởng mạnh hơn, phần nào bù đắp cho sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo.

Nghị quyết 50 được xem là chính sách đột phá trong thu hút FDI của Việt Nam, nhưng ông Jason Yek cho rằng, mục tiêu thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo quy mô lớn là khá tham vọng trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam.

Vị chuyên gia này lý giải, những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là thiếu hụt lực lượng lao động tay nghề cao khiến doanh nghiệp khó tích hợp đồng bộ các quy trình công nghệ cao vào hệ thống. Do đó, Việt Nam vẫn cần quan tâm đầu tư nhiều hơn vào nâng cao trình độ lao động trong nước trước khi theo đuổi mục tiêu trở thành trung tâm R&D ở khu vực.

Vẫn còn những trở ngại đáng kể

Theo TS. Park Jae Hyun, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển hạ tầng và đô thị Hàn Quốc ở nước ngoài (KIND) tại Việt Nam, dòng FDI đổ bộ vào Việt Nam những năm qua là do cải cách kinh tế liên tục của Chính phủ, cộng với ổn định chính trị, lợi thế dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn những trở ngại đáng kể, như tham nhũng, hệ thống tư pháp chưa không phù hợp với chuẩn mực quốc tế, sự yếu kém trong triển khai bảo vệ sở hữu trí tuệ, thiếu lao động trình độ cao…
Tin liên quan
Tin khác