Đầu tư
Thu hút FDI thế hệ mới: Mở khóa cánh cửa công nghệ
Anh Trung - 12/09/2018 08:52
Chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn tới được kỳ vọng sẽ giải quyết điểm yếu cố hữu, đó là giá trị gia tăng thấp, sâu xa hơn là hàm lượng công nghệ và chuyển giao công nghệ còn hạn chế.
TIN LIÊN QUAN

Bài toán công nghệ và chuyển giao công nghệ

Trong 30 năm qua, bên cạnh những đóng góp không thể phủ nhận của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, mà hạn chế lớn nhất chính là việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI chưa đạt như kỳ vọng.

Hạn chế lớn nhất của thu hút FDI trong 30 năm qua chính là việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI chưa đạt như kỳ vọng. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất thiết bị điện của ABB tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Bởi vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, trong một trao đổi tại diễn đàn liên quan đến việc xây dựng chiến lược FDI giai đoạn tới, đã đưa ra nhận xét, thách thức mà chúng ta phải đối mặt là rất đặc thù, khi dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục, song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mang lại còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, phần lớn FDI vào Việt Nam chỉ tập trung vào các ngành thuộc nhóm khai thác thị trường hay thâm dụng lao động như dệt may, bất động sản, chế tạo, chế biến…, với giá trị gia tăng tương đối thấp.

Nếu FDI giai đoạn trước đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua thu hút vốn, nâng cao năng lực sản xuất, việc làm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa…, thì giai đoạn tới, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, cần phải có sự điều chỉnh chính sách một cách căn bản, nhằm khắc phục các hạn chế cố hữu, nhất là hiệu ứng lan tỏa và chuyển giao công nghệ.

“Các cơ hội của thành tựu 30 năm đổi mới đất nước đem lại, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, sự cấu trúc lại chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và tác động của chuyển dịch FDI toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0... đang đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải có sự điều chỉnh chính sách”, Thứ trưởng nói.

Cụ thể, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, cần gấp rút hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, cũng như những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế.

Trước mắt, phải tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh. Đó cũng phải là các dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời ưu tiên thu hút dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Tăng cường thu hút đầu tư từ Mỹ và EU

Một khuyến nghị rất đáng chú ý được nhóm chuyên gia xây dựng Dự thảo Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030 đưa ra là, dù đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số quốc gia và vũng lãnh thổ khác, nhưng vẫn cần phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ, để đa dạng hóa nguồn vốn FDI, đồng thời tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.

Câu chuyện nằm ở chỗ, lâu nay, cả Mỹ lẫn EU đều tuyên bố sẽ trở thành những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Nhưng thực tế diễn ra không như kỳ vọng. “Khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, chúng ta phải làm rõ vì sao FDI từ Mỹ và EU vào Việt Nam còn hạn chế như vậy”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét.

Câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có thể kéo dòng vốn từ các thị trường này hay không? Câu trả lời vẫn được nhắc tới lâu nay là có, ít nhất từ những tuyên bố của các nhà đầu tư Mỹ và EU, rằng họ luôn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, cũng như từ những thông điệp của Chính phủ về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

“Mạng lưới FTA mà Việt Nam tham gia mang đến cơ hội tiếp cận các thị trường quan trọng của nhiều cường quốc kinh tế trên thế giới. Điều này không chỉ có vai trò quan trọng với xuất khẩu của Việt Nam, mà còn hấp dẫn FDI. Về lý thuyết, các nhà đầu tư tìm kiếm hiệu quả sẽ hướng đến việc sản xuất những hàng hóa hoặc dịch vụ ở Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường thứ ba”, một chuyên gia thuộc Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định và cho rằng, khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, cơ hội tăng cường thu hút FDI từ EU là không hề nhỏ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, tuy thiếu Mỹ, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút FDI từ các quốc gia thành viên. Riêng với Mỹ, một hiệp định song phương, hoặc khả năng Mỹ quay lại với CPTPP cũng đang tạo cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư từ Mỹ.

Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt từng chia sẻ rằng, nhà đầu tư Mỹ và EU rất quan tâm đến Việt Nam, nhưng ít thành công hơn nhà đầu tư châu Á, vì thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ, trong khi những đòi hỏi về độ minh bạch cao và sự khác biệt về văn hóa khiến họ phải cân nhắc.

Còn ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhận xét, các nhà đầu tư EU rất quan tâm đến những câu chuyện tưởng chừng đơn giản như chất lượng nguồn nhân lực, hay chất lượng dịch vụ, như dịch vụ logistic, khách sạn… “Họ sẽ so sánh xem cùng một đồng tiền thì đầu tư vào thị trường nào dễ dàng hơn, an toàn hơn, thủ tục đầu tư, thủ tục visa thuận lợi không”, ông Ryu Hang Ha nói.

Có thể, đó chính là những điều Việt Nam cần chuẩn bị để thu hút nhiều hơn FDI từ Mỹ và EU.

Tin liên quan
Tin khác