Thỏi nam châm hút vốn
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký mới và bổ sung tại TP.HCM là 673.486 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, có 30.634 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 372.432 tỷ đồng (tăng 4,1% về số lượng doanh nghiệp và bằng 95,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Có 47.173 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó, vốn điều chỉnh bổ sung tăng 301.054 tỷ đồng.
. |
Phân theo ngành nghề về vốn đăng ký, bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (40,7%); tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (15,1%); công nghiệp chế biến - chế tạo (12,2%); xây dựng (10,8%)...
Đặc biệt, 9 tháng qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong đó, tính chung cả vốn thu hút dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 5,47 tỷ USD (tăng 50% so với cùng kỳ). Trong đó, kinh doanh bất động sản chiếm 20,2%…
Dòng vốn này đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc (chiếm tỷ trọng 28,1%), Singapore (25,7%), Na Uy (11%), Nhật Bản (10%)...
Bên cạnh đó, Thành phố có 194 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư 555,21 triệu USD (tăng 23,6% về số dự án điều chỉnh và bằng 80% về vốn đầu tư so với cùng kỳ). Thành phố cũng chấp thuận cho 2.155 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 4,28 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 36,5% về số trường hợp và tăng gấp 2,1 lần về vốn đầu tư). Trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút nhiều nhất (chiếm 47,3%).
Kỳ vọng thị trường cuối năm
Với vốn đầu tư vào bất động sản liên tục tăng trong 9 tháng qua, giới chuyên môn cho rằng, dòng vốn này còn đổ bộ nhiều hơn trong những tháng còn lại của năm 2018. Đặc biệt, vốn FDI được kỳ vọng rất lớn, bởi gần đây, các doanh nghiệp ngoại nhắm đến các dự án được cam kết triển khai ngay.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, phần lớn dòng vốn ngoại đã được phân bổ đầu tư vào các danh mục bất động sản như thương mại, khách sạn, công nghiệp và phân khúc nhà ở thương mại giá tầm trung.
“Theo xu hướng này, có rất nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt. Lợi thế của các chủ đầu tư trong nước là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục bất động sản đã được xác lập, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực lớn về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án, nên việc kết hợp sẽ làm gia tăng giá trị dự án”, ông Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận thị trường vốn tại Việt Nam của Công ty JLL (Jones Lang LaSalle) cho biết.
Cũng theo thông tin từ JLL, hiện tại, các quỹ đầu tư tín thác (REITs) đang mở rộng nguồn vốn vào Việt Nam, trong đó, điểm quan tâm lớn nhất là TP.HCM.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dòng vốn trong nước sẽ dồi dào hơn trong những tháng còn lại của năm 2018. Ông Hiếu cho biết, vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp vào ngành bất động sản từ đầu năm tới nay liên tục tăng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đã bắt đầu đi đúng hướng mà Chính phủ kỳ vọng, đó là doanh nghiệp phải phát triển bằng năng lực tài chính của chính mình.
“Việc tăng vốn đăng ký mới sẽ giúp doanh nghiệp bớt dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng, đồng thời giúp doanh nghiệp đủ năng lực tài chính khi thực hiện các thương vụ M&A mua quỹ đất để phát triển dự án mới. Đây là điều mà thị trường đang cần”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, 3 tháng cuối năm là thời gian các doanh nghiệp chạy đua phát triển dự án, phát triển quỹ đất để đưa vào báo cáo doanh thu trong năm. Điều này sẽ tạo ra cuộc đua mới trong thị trường bất động sản. Thực tế những năm gần đây cho thấy, dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản những tháng cuối năm rất sôi động.