. |
Quy hoạch cần có tầm nhìn dài hạn
Trao đổi tại Diễn đàn chuyên đề “Quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vùng ĐBSCL” khai mạc sáng qua (18/6) tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nghiên cứu Quy hoạch Tổng thể phát triển bền vững của vùng; rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng; xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế.
“Diễn đàn này là cơ hội rất tốt để chúng ta tập trung xem xét một cách thấu đáo, đánh giá toàn diện tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao sau hai năm ban hành Nghị quyết số 120; từ đó đề ra phương pháp lập quy hoạch vùng có tầm nhìn dài hạn và phù hợp, các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng ĐBSCL và xây dựng được cơ chế huy động nguồn lực có tính thực tiễn cao để phát triển bền vững vùng, thích ứng ngày càng tốt hơn với các khó khăn, thách thức hiện tại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, Quy hoạch Vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là cơ sở, là quy hoạch căn cơ nhất để liên kết các ngành, địa phương trong vùng. Quy hoạch này cũng đảm bảo kết nối quy hoạch quốc gia với vùng. “Quy hoạch muốn thành công thì phải có sự chung tay của tất cả các ngành, địa phương, trong đó, cần có một ‘nhạc trưởng’ để thực hiện”, ông Mạnh nói.
Trong khi đó, theo đại diện Tổ chức tư vấn Haskoning DHV & GIZ (Hà Lan), Dự án quy hoạch tổng thể cho vùng ĐBSCL do đơn vị này thực hiện đã được triển khai từ tháng 3/2019 và đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên. Thế mạnh lớn nhất của vùng chính là kinh tế nông nghiệp, do đó, trong quy hoạch phát triển, cũng cần ưu tiên cho vấn đề này.
Có thực tế là, mức tăng dân số hiện nay không như dự báo, nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực để phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, đại diện đơn vị tư vấn nhấn mạnh, quan trọng nhất của việc đưa quy hoạch vào thực tiễn là cần ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý và quan trọng nhất là thay đổi nhận thức…
Đột phá thu hút nguồn lực đầu tư
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian qua, có 2 nguồn lực đầu tư cho vùng ĐBSCL. Đó là nguồn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 là 193.000 tỷ đồng, chiếm hơn 16% tổng toàn quốc, trong đó, ngân sách trung ương hơn 79.000 tỷ đồng. Nguồn thứ 2 là từ thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI, lũy kế đến năm 2018, toàn vùng thu hút 2,6 tỷ USD).
Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nguồn vốn bố trí cho vùng ĐBSCL còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu, cách thức vẫn như cũ, chưa có đột phá. Trong đó, cơ cấu vốn từ ngân sách địa phương vẫn còn khá lớn, chiếm gần 60%...
Do đó, ông Hà cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề này, cần đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó, coi trọng các nguồn lực từ các dự án trung ương trên địa bàn, các dự án từ vốn vay… Quan trọng hơn, cần xây dựng cho được quy hoạch tổng thể của vùng, các dự án cần có tính khả thi cao, có kế hoạch tài chính trung hạn, từ đó có kế hoạch đầu tư công, vay nợ…
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, nếu có quy hoạch tốt mà thiếu nguồn lực bổ sung như nguồn vốn từ Trung ương, vốn vay, vốn tài trợ.., nghĩa là chỉ trông chờ vào nguồn lực của các địa phương, thì không thể sớm có các công trình trọng điểm được.
“Mong muốn lớn nhất của các địa phương trong vùng là có nguồn lực tập trung để làm các dự án khung, tạo xương sống phát triển, có như vậy mới thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết 120”, ông Mạnh cho biết.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, thực tiễn từ một số quốc gia mà WB đã hợp tác về các chủ đề này và từ các nước phát triển cho thấy tầm quan trọng của việc gắn kết quy hoạch, điều phối và tài chính. Do đó, cần có nguồn tài chính tương xứng với nhu cầu đầu tư ưu tiên liên tỉnh, cơ chế khuyến khích sự phối hợp và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, bên cạnh hỗ trợ để xây dựng và thực hiện các giải pháp thông minh về khí hậu mang tính đổi mới, chuyển đổi, giảm thiểu rủi ro.