TP. Đà Nẵng đã ký ký hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trọng điểm |
Quả ngọt thu hút đầu tư
Với vị trí chiến lược, Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố. Bộ Chính trị đã 2 lần ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Đà Nẵng, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2003 và Nghị quyết số 43-NQ/TW năm 2019, về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những quyết sách quan trọng này đã tạo lực đẩy cho sự phát triển của Thành phố.
Thực tế chứng minh, sau khi được tách tỉnh và thành lập thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 1997, TP. Đà Nẵng đã chuyển đổi và phát triển từ một nơi nghèo khó thành thành phố đáng sống với mức thu nhập của người dân thuộc tốp đầu cả nước. Đà Nẵng đã vươn lên thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, ngoài Khu công nghệ cao, TP. Đà Nẵng còn có Khu công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu phức hợp FPT, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn I. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng Khu công viên phần mềm số 2; thu hút đầu tư Khu không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay. Nguồn nhân lực công nghệ số của Đà Nẵng hiện có khoảng 46.000 người; có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 toàn quốc…
Thống kê cho thấy, dù chỉ chiếm khoảng 0,8% diện tích, nhưng TP. Đà Nẵng tập trung hơn 1/6 số doanh nghiệp toàn vùng, tạo ra gần 1/13 GRDP và hơn 1/9 tổng thu ngân sách trên địa bàn 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2020. GRDP của Đà Nẵng đứng thứ 16 của cả nước, thứ 4/5 thành phố lớn của cả nước, với tổng GRDP theo giá hiện hành năm 2020 đạt hơn 103.000 tỷ đồng…
TP. Đà Nẵng cũng định vị mình trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thế giới, địa điểm du lịch ưa thích của du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn khẳng định là một trung tâm thu hút các ngành công nghệ cao; trung tâm logistics và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đó của Đà Nẵng được các chuyên gia khẳng định là “nổi trội, khác biệt”.
Quả thật, Đà Nẵng đã trải qua một giai đoạn phát triển thần kỳ. Một trong những nguyên nhân tạo nên câu chuyện đó chính là việc thu hút được nguồn lực đầu tư lớn của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, Thành phố có 777 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư hơn 255.143 tỷ đồng. Trong đó, có 378 dự án ngoài khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 220.676 tỷ đồng; 399 dự án trong khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 34.466 tỷ đồng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng liên tục được nhà đầu tư rót vào Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2019-2023, Thành phố thu hút được 1,41 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 3/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Vốn FDI vào TP. Đà Nẵng tập trung trong những lĩnh vực trọng điểm, như kinh doanh bất động sản (có 57 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 2,58 tỷ USD), công nghiệp chế biến - chế tạo (177 dự án, tổng vốn đăng ký 1,86 tỷ USD), dịch vụ lưu trú và ăn uống (181 dự án, tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD)… Đến nay, TP. Đà Nẵng có 1.012 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 4,35 tỷ USD, đến từ 58 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Ngoài việc sở hữu vị trí chiến lược, kết cấu hạ tầng hiện đại, TP. Đà Nẵng còn tạo lập được môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. TP. Đà Nẵng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; thành lập Tổ Công tác liên ngành về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; rà soát, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai. Nhờ vậy, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng luôn thuộc nhóm đầu cả nước.
Điều này trở thành “bí quyết” thành công trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng.
Vận hội mới
Tháng 5/2024, đại diện Tập đoàn Marvell Technology (Hoa Kỳ) cho biết sẽ mở thêm các trung tâm thiết kế vi mạch tại TP.HCM và cả Đà Nẵng. Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Technology Việt Nam, Tập đoàn chọn Đà Nẵng để mở trung tâm thiết kế vi mạch vì 3 lý do.
Thứ nhất, Đà Nẵng có lợi thế về nguồn nhân lực trong mảng xử lý tín hiệu tương tự (analog), tín hiệu hỗn hợp (mixed signals), cũng như các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Thứ hai, kết cấu hạ tầng ở Đà Nẵng, từ giao thông, nhà ở, đến môi trường sống đều rất tốt.
Thứ ba, cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo Đà Nẵng trong việc đầu tư vào lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.
Không chỉ Marvell, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu thế giới, như Qualcomm, Nvidia cũng đã làm việc với TP. Đà Nẵng để xúc tiến chương trình hợp tác cụ thể về phát triển triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn hay AI.
Điều đó cho thấy, sức hút đầu tư của TP. Đà Nẵng là rất mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng vừa được thông qua.
Quyết sách quan trọng này trao cho Đà Nẵng nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội, tác động rộng lớn trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng sẽ hướng đến các nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, các dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP. Đà Nẵng sẽ là đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với đào tạo; đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ AI, năng lượng sạch… có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên; dự án trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), pin công nghệ mới, công nghiệp quốc phòng… có quy mô vốn đầu tư từ 4.000 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng, bao gồm Khu thương mại - dịch vụ có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Trung tâm logistics gắn với Cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Khu sản xuất có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, Đà Nẵng thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa có quy mô vốn đầu tư từ 8.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư xây dựng dự án tổng thể bến Cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỷ đồng trở lên…
Khi đầu tư vào Đà Nẵng trong những lĩnh vực trên, nhà đầu tư chiến lược được hưởng nhiều ưu đãi vượt trội.
Có thể thấy, những quyết sách chiến lược của Đảng tác động mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến Đà Nẵng. Chính vì vậy, Đà Nẵng đang gấp rút đưa quyết sách vào thực tiễn.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách hiện nay của Thành phố là triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, khi Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Nghị quyết có những chính sách mới, vượt trội, chưa có tiền lệ, như việc cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đây là mô hình kinh tế đã được khẳng định trong việc thu hút các nguồn lực để thúc đẩy phát triển, nhưng là mô hình mới ở Việt Nam, chưa có quy định cụ thể, đặt ra không ít thách thức. Vì vậy, đòi hỏi phải nỗ lực và quyết tâm để cụ thể hoá chính sách, đưa vào thực tiễn cuộc sống.
“Chúng ta phải nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Nghị quyết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là nền tảng vững chắc để mở ra nhiều cơ hội, động lực mới và các chính sách đặc thù nhằm thu hút các nguồn lực và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thành phố, tạo ra các đột phá để Thành phố phát triển nhanh và bền vững”, ông Quảng khẳng định.