Ngân hàng - Bảo hiểm
Thù lao HĐQT, Ban kiểm soát VietBank tăng trong năm 2022
T.V - 26/04/2022 08:01
Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2022 theo hình thức trực tuyến, với mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, tăng thù lao HĐQT, BKS.

Mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng

Cụ thể, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 71,4%, đạt 1.090 tỷ đồng năm nay. Tổng tài sản dự kiến đạt 133.000 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ.

Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 37,1% và 15%, đạt 102.000 và 65.200 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số, ngân hàng giữ lại lợi nhuận không chia năm 2021 là hơn 430,7 tỷ đồng.

Kết quả, năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietBank đạt 636 tỷ đồng, tăng 57,8% so với năm 2020, vượt kế hoạch tối thiểu Ngân hàng đề ra, song mới chỉ thực hiện được gần 60% kế hoạch phấn đấu mà nhà băng này đặt ra. 

Đáng chú ý, đến cuối năm 2021 về chất lượng cho vay, dư nợ xấu của ngân hàng trong năm qua đã tăng mạnh 135% lên 1.845 tỷ đồng, chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1,75% lên 3,65%.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vietbank đạt 103.780 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,8% lên 50.530 tỷ đồng. Về nguồn vốn, kết thúc 2021, số dư tiền gửi khách hàng đạt 66.755 tỷ đồng, tăng 3,4%

Tăng vốn lên 5.779 tỷ đồng, niêm yết cổ phiếu?

HĐQT VietBank cho biết, để đạt được quy mô tổng tài sản 300.000 tỷ đồng đến năm 2025, ngoài lợi nhuận giữ lại để tăng vốn tự có, Vietbank cần tăng ròng vốn tự có hàng năm 2.000-2.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) trên 9%, năm 2022 ngân hàng phải tăng vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng và mục tiêu tổng tài sản đến năm 2025 đạt 300.000 tỷ đồng.

Theo đó, VietBank có kế hoạch tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 21%, dự kiến thực hiện từ quý 3 đến quý 4/2022. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VietBank sẽ đạt 5.779 tỷ đồng.

Toàn bộ số vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn toàn trong hoạt động sinh lời cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng này còn có kế hoạch huy động vốn cấp 2 không đạt hoặc hết hạn mức cho phép thì vốn cấp 1 phải tăng thêm để bù đắp (tăng vốn cấp 1 từ lợi nhuận giữ lại và cổ đông góp mới).

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ tới đây, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua thực hiện niêm yết cổ phiếu VBB khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2021, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc niêm yết với cổ phiếu VBB. Tuy nhiên, trong năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch bệnh làm cho thị trường chứng khoán biến động rất mạnh.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Vietbank, việc niêm yết cổ phiếu trong năm 2021 sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và đảm bảo quyền lợi của cổ đông nên việc niêm yết chưa thể thực hiện được.

Tăng mức thù lao HĐQT, BKS lên 20 tỷ đồng trong 2022

Cũng tại ĐHCĐ sáng nay, HĐQT VietBank để trình ĐHCĐ xem xét thông qua mức thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) năm 2022 dự kiến là 20 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế thu nhập cá nhân), tăng so với mức 15 tỷ đồng của năm 2021. 

Toàn bộ thuế thu nhập cá nhân của các thành viên HĐQT, BKS theo quy định sẽ do VietBank chia trả. Ngân sách trên của HĐQT, BKS bao gồm: công tác phí, vé máy bay, chi phí hội nghị, lễ tân, khánh tiết, chi bưu phí về điện thoại, chi phí tiếp khách, chi phí quà tặng, đối tác, lễ tân...

Trong năm qua, VietBank là một trong những nhà băng có sự biến động mạnh về nhận sự cấp cao. Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng đã có quyết định về việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Tổng giám đốc của Ngân hàng kể từ 16/10/2021.

Cụ thể, HĐQT VietBank quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Huy Dũng từ ngày 16/10/2021 theo nguyện vọng cá nhân để nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của Hội đồng quản trị.

Trước đó, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2021 cuối tháng 4/2021, HĐQT VietBank đã thống nhất bầu ông Dương Nhất Nguyên - Thành viên HĐQT giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 thay ông Bùi Xuân Khu - nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VietBank đang giảm về sát mệnh giá, còn 13.900 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với mức hơn 20.000 đồng/cổ phiếu cuối tháng 11/2021. 

Tin liên quan
Tin khác