Doanh nghiệp
Thu lợi từ Cốc Cốc, HBM dốc thêm vốn vào startup Việt
Hữu Tuấn - 02/11/2017 08:49
Sau khoản đầu tư 14 triệu USD của Hubert Burda, trình duyệt Cốc Cốc bắt đầu đạt điểm hoà vốn và Hubert Burda Media (HBM) đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Trình duyệt Cốc Cốc hiện đứng thứ 2 ở Việt Nam, chiếm 22,6% thị phần

Vì sao HBM đầu tư vào Cốc Cốc?

Đầu năm 2015, trình duyệt Cốc Cốc do 3 kỹ sư là Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh và Nguyễn Đức Ngọc phát triển từ năm 2010 bất ngờ công bố việc Hubert Burda Media đầu tư 14 triệu USD vào Cốc Cốc.

Sau 2 năm, ông Peter Kennedy, Chủ tịch HBM châu Á đã có cuộc trò chuyện khá cởi mở, tiết lộ về thương vụ này và kế hoạch tiếp theo tại thị trường Việt Nam.

Ông Peter Kennedy cho biết, HBM sau khi làm việc với Google đã nhận thấy đầu tư vào mảng dịch vụ công cụ tìm kiếm rất tốt, nên đã quyết định chọn đầu tư vào lĩnh vực này. Tại Việt Nam, HBM đã lựa chọn một doanh nghiệp địa phương đang phát triển nền tảng tìm kiếm. Sau 8 tháng đàm phán với Cốc Cốc, HBM đã quyết định đầu tư 14 triệu USD vào trình duyệt này.

Ông Kennedy chia sẻ, HBM bị ấn tượng bởi chất lượng sản phẩm và tốc độ phát triển người dùng của Cốc Cốc. Cốc Cốc hiện nằm trong Top 25 danh mục đầu tư của Công ty Hubert Burda Media trên toàn cầu.

“Chúng tôi rất hài lòng với khoản đầu tư vào Cốc Cốc và sẽ tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư thêm vào startup ở Việt Nam”, ông Peter Kennedy cho biết.

Theo ông Peter Kennedy, sau hơn 2 năm phát triển, giá trị đầu tư vào Cốc Cốc khoảng hơn 20 triệu USD, nhưng nếu định giá hiện tại cao gấp 4-5 lần số tiền đã được đầu tư vào.

Đến thời điểm hiện tại, theo số liệu từ Statcounter về số lượng người dùng (user) các trình duyệt ở Việt Nam cho thấy, Chrome đứng đầu bảng xếp hạng với 58,7% người dùng, kế đó là Cốc Cốc với 26,6%, FireFox ở vị trí thứ 3 với 7,5%.

Hubert Burda Media là Tập đoàn lớn của Đức, doanh thu năm 2016 của tập đoàn này đạt 2,56 tỷ EURO và hiện có hơn 10.000 nhân viên. Tại châu Á, Hubert Burda Media có công ty ở Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Ông Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, Cốc Cốc có 22,6 triệu user, tăng cao hơn so với năm 2016 là 1,8 triệu user. Trình duyệt và tìm kiếm Cốc Cốc đang đứng thứ 2 ở Việt Nam, sau Google, chiếm 26,6% thị phần.

“Con số 22,6 triệu user là con số user hoạt động trong 1 tháng. Báo cáo của Statcounter cũng có kết quả tương đương với thống kê của Cốc Cốc. Các đối tác chạy quảng cáo trên Cốc Cốc cũng cho kết quả lượt truy cập trả về cho doanh nghiệp rất lớn. Về doanh thu quảng cáo trực tuyến, hiện nay Cốc Cốc chiếm khoảng 20% thị phần quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam, chỉ sau Google và Facebook”, ông Thanh cho biết.

Cốc Cốc đã đạt được điểm hòa vốn vào đầu năm 2017. Dự kiến trong 10 năm tới sẽ tăng ít nhất 8 lần doanh thu. Về mức tăng trưởng người dùng, theo đại diện Cốc Cốc, năm 2015, Cốc Cốc tăng 100%, năm 2016 tăng 80%, năm 2017 tăng 50%.

Đứng vững ở thị trường Việt Nam

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc HBM có tiếp tục đầu tư thêm vào Cốc Cốc và sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp nào khác của Việt Nam, ông Peter Kennedy cho biết, hiện tại Cốc Cốc đang phát triển rất tốt và đạt kết quả kinh doanh khả quan, nên trước mắt chưa cần thêm khoản đầu tư. “Nếu mở rộng ra các thị trường khác thì đương nhiên phải đầu tư thêm cho Cốc Cốc”, ông Peter Kennedy cho biết.

Còn đối với các startup khác, HBM vẫn tiếp tục quan tâm tới các lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng Internet như: tìm kiếm, so sánh giá, thị trường dịch vụ trên Internet. “Các startup còn non trẻ chưa phù hợp tiêu chí của HBM. Các startup HBM nhắm tới đã thành lập ít nhất 2 năm, doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD”, đại diện HBM tiết lộ.

Đối với sự phát triển trong tương lai của Cốc Cốc, ông Lê Văn Thanh cho biết, trước mắt Cốc Cốc vẫn tập trung củng cố và phát triển tại thị trường Việt Nam. 

“Cốc Cốc cũng đã khảo sát ở Indonesia, Thái Lan và đặt văn phòng ở Indonesia, nhưng ưu tiên trong những năm tới là sẽ củng cố tiếp ở thị trường Việt Nam”, ông Thanh cho biết.

Ông Thanh cũng cho rằng, mảng tìm kiếm đang cạnh tranh quyết liệt và Cốc Cốc luôn phải cho ra đời các cải tiến và sản phẩm mới. Rất có thể, sản phẩm dành cho thị trường nước ngoài sẽ được ra mắt vào đầu năm 2018.

Mới đây, ngoài các tính năng “độc quyền” chỉ có trên trình duyệt Cốc Cốc như: chữa lỗi chính tả, thêm dấu, load Facebook, tự động thêm dấu khi dùng FB hoặc mạng xã hội… Cốc Cốc đã liên tục cải tiến, giới thiệu nhiều tính năng mới như tính năng từ điển, tính năng truy cập Facebook vào thời điểm mạng bị yếu hoặc chập chờn, tính năng download nhanh, tính năng tải âm thanh, tính năng ghim video, vừa xem video, vừa đọc báo, tính năng gợi ý mua sắm.

Cách đây hơn một năm, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Đầu tư, ông Lê Văn Thanh khẳng định, mục tiêu của Cốc Cốc là cố gắng đem đến cho người dùng một công cụ tìm kiếm thông minh và hiệu quả nhất, chứ không phải cạnh tranh với Google để trở thành công cụ tìm kiếm số một Việt Nam. Tham vọng của Cốc Cốc là một ngày nào đó sẽ làm nên kỳ tích như Yandex của Nga, Baidu của Trung Quốc, Naver của Hàn Quốc… khi IPO đều đạt giá trị tỷ USD. Nhưng mục tiêu trước mắt của Cốc Cốc là tiếp tục cho ra đời những tính năng, sản phẩm, dịch vụ mới để tăng người dùng, tăng doanh thu, chứ không phải vẽ ra một tương lai hoành tráng hoặc ngồi nhấm nháp chiến thắng nhỏ nhoi trước mắt.

Cốc Cốc đang từng bước, từng bước thực hiện mục tiêu đó.

Tin liên quan
Tin khác