Sẽ niêm yết vào cuối năm 2018
Dự kiến, từ tháng 10/2018, Kido Foods sẽ đáp ứng đủ các điều kiện để có thể thực hiện niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Công ty cũng có kế hoạch đưa cổ phiếu sang niêm yết tại HoSE. Theo đánh giá của HĐQT, với quy mô thị trường hiện nay, việc niêm yết trên HoSE sẽ giúp cổ phiếu KDF phản ánh đúng giá trị nội tại, gia tăng tính thanh khoản, tối đa hóa giá trị đầu tư cho cổ đông.
Kido Foods có khá nhiều lợi thế trước thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn HoSE. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất kem của Kido Foods |
Thực chất, Kido Foods đã có sự chuẩn bị khá bài bản về việc tạo dựng nền tảng nội tại khá vững vàng trước khi thực hiện các bước đại chúng hóa và niêm yết cổ phiếu. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty TNHH một thành viên Kido, được thành lập từ tháng 7/2003 khi Công ty cổ phần Kinh Đô chính thức mua lại thương hiệu Kem Wall’s từ Tập đoàn Unilever và thành lập công ty con để tiếp quản nhà máy sản xuất kem. Từ đó tới nay, doanh nghiệp đã trải qua 3 lần tăng vốn, trong đó năm 2015 và 2016 tăng vốn liên tục từ 176 tỷ đồng lên 560 tỷ đồng.
Ngoài Nhà máy Kem Kido tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM), cuối năm 2016, Kido Food đã củng cố thêm sức mạnh bằng việc đưa vào vận hành Nhà máy Thực phẩm đông lạnh Kido tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Nhà máy có tổng vốn đầu tư ban đầu là 400 tỷ đồng và được trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất châu Âu, công nghệ Nhật Bản. Sản lượng cung ứng của Nhà máy đạt trên 15 triệu lít/năm, tương đương 15.000 tấn/năm, trong đó sữa chua chiếm 9.000 tấn/năm và kem chiếm 6.000 tấn/năm.
Theo ông Trần Quốc Nguyên, Tổng giám đốc Kido Foods, Nhà máy Bắc Ninh hiện đã khai thác được khoảng 40% công suất, dự kiến sẽ đạt 60% công suất vào cuối năm 2018 và khoảng 1 năm nữa thì có thể vận hành 100% công suất.
Kỳ vọng ở mức độ nào?
Mặc dù Kido Foods đang có khá nhiều lợi thế trước thời điểm đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE, nhưng bức tranh cổ phiếu KDF cũng không phải toàn màu hồng và nhà đầu tư vì thế cũng không thể đặt ra những kỳ vọng quá cao.
Về biến động giá cổ phiếu, KDF được giới đầu tư đón nhận khá nồng nhiệt tại thời điểm Kido Foods bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 4/2017 và duy trì mặt bằng giá khá cao trong một thời gian dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị giá KDF có phần sụt giảm mạnh từ mặt bằng giá khoảng 58.000 đồng/cổ phiếu (giai đoạn đầu tháng 4/2018) xuống mặt bằng dưới 40.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm hiện tại.
Việc giá cổ phiếu KDF bị điều chỉnh mạnh trong giai đoạn từ tháng 4 đến nay, ngoài việc chịu tác động chung của đợt suy giảm của thị trường chứng khoán, còn do Công ty bị sụt giảm doanh thu trong quý I/2018 (chỉ đạt 215,9 tỷ đồng, giảm 17,81% so với cùng kỳ). Lý do sụt giảm doanh thu là thị trường có một số biến động khiến Công ty phải thực hiện tái cấu trúc và cập nhật danh mục sản phẩm để phục vụ thị hiếu người dùng và chuẩn bị cho mùa cao điểm.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những khó khăn trong quý I của Kido Foods chỉ là tạm thời và Công ty sẽ sớm phục hồi hoạt động kinh doanh trong phần còn lại của năm 2018. Theo đó, Công ty vẫn đặt ra kế hoạch doanh thu cả năm 2018 đạt 1.700 tỷ đồng (năm 2017 đạt 1.493 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế 195 tỷ đồng (năm 2017 đạt 174 tỷ đồng).
Theo ông Nguyên, thời gian tới, ngoài các mặt hàng hiện có, Kido Foods sẽ có dư địa tăng doanh thu từ việc triển khai kinh doanh các sản phẩm chế biến từ thịt (giò lụa, dăm bông, xúc xích…). Đây là kết quả của việc Kido hoàn tất việc mua lại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food). Dabaco Food hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, là công ty hoạt động trong mảng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ thịt.