Doanh nghiệp
KIDO Foods đưa cổ phiếu lên UPCoM ngay trong tháng tới
Chí Tín - 31/03/2017 15:29
Sáng 31/3, Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO – KIDO Foods (KDF) đã gặp mặt nhà đầu tư tại khu vực Hà Nội để chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới.
Ông Trần Quốc Nguyên, Tổng giám đốc KDF phát biểu

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Trần Quốc Nguyên, Tổng giám đốc KDF cho biết, sau khi IPO, KDF sẽ thực hiện đưa cổ phiếu lên thị trường UPCoM ngay trong tháng 4/2017.

Ngoài ra, theo ông Nguyên, công ty mẹ của KDF là Tập đoàn KIDO cũng sẽ vẫn tiếp tục nắm giữ tỷ lệ cổ phần 65% tại KDF.

KDF là một thành viên của Tập đoàn KIDO, được thành lập năm 2003 sau khi Tập đoàn KIDO mua lại nhà máy Kem Wall’s từ Unilever.

KDF hiện đang là doanh nghiệp đầu ngành kem với thị phần khoảng 35%, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh gần nhất với thị phần chỉ khoảng 10%.

Theo đánh giá của Euromonitor, thị trường kem Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tích cực trong vòng 5 năm tới (trung bình 6,2%/năm về doanh thu và sản lượng).

Dự báo này dựa trên nhu cầu tiêu thụ kem bình quân đầu người còn thấp trong khi kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức khá cao và ổn định, thu nhập của người Việt đang ngày càng tăng. Cơ cấu dân số trẻ cũng tạo nhu cầu tiêu thụ lớn và sự mở rộng của kênh bán hàng hiện đại.

Song hành với chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm để tiếp cận đến 85% người tiêu dùng Việt Nam của Tập đoàn, năm 2016, KDF đã bắt đầu nghiên cứu và mở ra ngành hàng mới là thực phẩm đông lạnh.

Đây là mảng thị trường rộng lớn và rất nhiều tiềm năng để khai thác do tính đa dạng của các dòng sản phẩm. Dòng thực phẩm đông lạnh đầu tiên của KDF đã xuất hiện trên thị trường là bánh bao, các sản phẩm đang được nghiên cứu kế tiếp là xúc xích và cá viên.

Nhóm thực phẩm đông lạnh cùng với kem và sản phẩm từ sữa sẽ giúp hoàn thiện chuỗi sản phẩm hàng lạnh của KDF và khai thác triệt để hơn lợi thế về hệ thống phân phối hiện nay của Công ty.

Đối với ngành kem, hệ thống phân phối bán lẻ là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành. Thế mạnh của KDF là các sản phẩm kem que với hai thương hiệu nổi bật là Merino và Celano. Đối thủ cạnh tranh Vinamilk có thế mạnh về kem hộp, trong khi các thương hiệu còn lại (Thủy Tạ, Tràng Tiền…) là thương hiệu mang tính địa phương với hệ thống phân phối không cạnh tranh bằng KDF và Vinamilk.

Bên cạnh những thương hiệu nổi bật, kem ngoại nhập bắt đầu xuất hiện nhiều ở khu vực thành thị trong những năm gần đây như kem Hàn Quốc, Thái Lan, New Zealand…

Tương tự như ngành kem, ngành hàng mới của KDF là thực phẩm đông lạnh với các sản phẩm đa dạng (bánh bao, xúc xích, cá viên…) đều là những mặt hàng sẽ có sự tăng trưởng từ nhu cầu chi tiêu khi mức thu nhập bình quân đầu người gia tăng.

Đối với sản phẩm bánh bao, hiện trên thị trường chưa có một đối thủ chiếm lĩnh và thương hiệu nổi bật trên khắp cả nước. Trong khi đó, các sản phẩm xúc xích, cá viên… thì Vissan là doanh nghiệp sở hữu thị phần cao nhất khoảng 28,4%.

Theo Euromonitor, quy mô của ngành thực phẩm đóng gói mặt hàng bữa ăn sẵn và sản phẩm từ thịt và hải sản chế biến sẵn (gồm cả sản phẩm mát và đông lạnh) là 7.698 tỷ đồng (2016), mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2016 là 9,7%/năm.

Mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2021 dự báo đạt 4,4%/năm, trong đó nhóm bữa ăn sẵn có mức tăng trưởng cao hơn, xấp xỉ 9%/năm do sự dịch chuyển về thói quen tiêu dùng do giúp tiết kiệm thời gian và tính tiện lợi khi sử dụng.

 

Một số nội dung hỏi đáp:

KDF chia sẻ về thị trường thực phẩm đông lạnh, khó khăn và thách thức để khai phá thị trường?

Thách thức lớn nhất là hệ thống phân phối chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, với KDF hiện đã có mặt ở khắp các tỉnh thành và đã đạt điểm hòa vốn với kênh phân phối nên đây không còn là khó khăn lớn.

Về tiềm lực tài chính, cách thức vận hành và marketing chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm, trong khi thương hiệu KIDO được gây dựng. Đó là những chìa khóa thành công cho việc phát triển ngành đông lạnh.

Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2017  - 2020?

Trả lời: Nhà máy sẽ không đầu tư thêm, nhưng sẽ vẫn tiếp tục đầu tư hệ thống phân phối và đầu tư nhãn hiệu. Nguồn vốn cho việc đầu tư lấy từ vốn tích lũy và đi vay. Tỷ lệ nợ trên vốn sẽ duy trì khoảng 50  - 60%.

Tổng chi phí đầu tư tại nhà máy phía Bắc và quy mô so với nhà máy miền Nam?

Chi phí cho nhà máy Bắc Ninh là 400 tỷ và là nhà máy hàng lạnh lớn nhất phía Bắc?

Năm 2017 có ý định tăng vốn không, cổ tức như thế nào?

Trong 2017 sẽ không tăng vốn và không phát hành thêm cổ phiếu, chỉ phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Cổ tức dự tính 12  -14%, nhưng sẽ phải thông qua Đại hội đồng cổ đông. Việc niêm yết có thể sẽ trong năm 2017.

Khi nào thì lấp đầy công suất 2 nhà máy?

Trong vòng 3  -5 năm sẽ có thể lấp đầy công suất 2 nhà máy.


Tin liên quan
Tin khác