Biến chứng nguy hại của bệnh thủy đậu ở người lớn
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 679 ca mắc thủy đậu.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, rất nhiều địa phương trên cả nước cũng đã ghi nhận tình trạng dịch thủy đậu diễn biến phức tạp, đơn cử, tại tỉnh Yên Bái ghi nhận vụ dịch thủy đậu với 69 ca bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm phòng là biện pháp quan trọng để phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Chí Cường |
Theo các chuyên gia, thủy đậu là bệnh lý rất dễ lây, tốc độ lây truyền cực kỳ nhanh qua đường hô hấp, hệ số lây nhiễm của thủy đậu là 6, tức là 1 người mắc bệnh thủy đậu thì có thể lây cho 6 - 7 người tiếp xúc gần xung quanh.
Bên cạnh đó, một người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vắc-xin thủy đậu trước đây có đến 90% nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thủy đậu. Trong khi đó, nhiều người vẫn còn thái độ thờ ơ trước sự nguy hiểm của bệnh.
Đây chính là những nguyên nhân khiến số ca thủy đậu tăng lên rất nhanh, thậm chí có nguy cơ bùng phát thành dịch, nhiều ca biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, suy đa cơ quan và tử vong.
Đáng chú ý, các chuyên gia cho biết, mặc dù thủy đậu là bệnh thường có diễn tiến lành tính và bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên, nhiễm thủy đậu ở trẻ nhũ nhi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ diễn tiến nặng, biến chứng.
Cũng nói về thủy đậu, bác sỹ Nguyễn Quang Huy, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nhiều người chủ quan khi cho rằng, người lớn không mắc thủy đậu.
Nếu có nhiễm bệnh thì cũng tự khỏi và không để lại biến chứng. Tuy nhiên trên thực tế, khi mắc bệnh, tỷ lệ xảy ra biến chứng và tử vong cao hơn ở người lớn - một số nghiên cứu về việc điều trị bệnh thủy đậu đối với người lớn, các trường hợp nặng và tử vong chiếm tới 10,4%, đây là tỷ lệ rất cao đối với bệnh đã có vắc-xin.
Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người lớn mắc thủy đậu, trong đó đã ghi nhận nam thanh niên 32 tuổi tử vong do biến chứng viêm phổi, suy gan.
Tương tự, thông tin từ Bệnh viện Nội tiết trung ương cũng cho biết, thời gian qua cơ sở y tế này tiếp nhận không ít ca bệnh mắc thủy đậu kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận…
Điển hình, bệnh nhân V.T.O. (ở Nam Định) được chuyển đến viện trong tình trạng thủy đậu bội nhiễm viêm phổi; nhiễm khuẩn tiết niệu; đái tháo đường type 2; tăng huyết áp; rối loạn lipid máu.
Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân có tiếp xúc với hai học sinh mắc bệnh thủy đậu, sau đó sốt cao 38-39 độ C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa lứa tuổi, đa kích thước.
Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, xuất hiện thêm tình trạng đau rát họng, ho nặng tiếng, ho nhiều, đờm vàng đục, đau nhức đầu và toàn thân. Trên da bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt phỏng đã vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, kèm theo tiểu tiện khó, tiểu buốt rắt....
Bác sỹ Huy diễn giải thêm, triệu chứng thủy đậu ở người lớn cũng giống với trẻ em, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi biến chứng. Bệnh tiến triển thông qua các triệu chứng ban đầu từ 1-3 tuần sau khi tiếp xúc với virus, như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ thể và đầu. Những triệu chứng này thường bắt đầu 1 hoặc 2 ngày trước khi xuất hiện phát ban. Với người lớn, số mụn nước dao động từ 250 - 500 nốt.
Đặc biệt, thai phụ nhiễm thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do virus varicella, nguy cơ tử vong lên đến 40%. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.
Trẻ em mắc thủy đậu cũng gây nhiều biến chứng nặng nề, do vậy các chuyên gia cảnh báo người dân cần tiêm phòng vắc-xin cho trẻ đủ liều, đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng nặng nề do bệnh gây ra.
Suy thận độ 5, suýt mất mạng do điều trị bằng thuốc Nam
Khoa Nội thận, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa điều trị thành công cứu sống nam bệnh nhân H.H.Q. bị suy thận giai đoạn 5, suýt mất mạng do điều trị bằng thuốc nam.
Theo thông tin, bệnh nhân H.H.Q. (sinh năm 1998, trú tại Long Biên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, lơ mơ, thể trạng gầy suy kiệt, không ăn uống được, nôn trớ liên tục, miệng loét.
Các chỉ số xét nghiệm khi vào viện là: Cretinin là 2018 gấp 20 lần giá trị cao nhất, chỉ số ure là 86,2 gấp 12 lần giá trị cao nhất của người bình thường.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân Q. được chẩn đoán ngập máu tăng ure máu, suy thận mạn giai đoạn 5 có chỉ định điều trị bằng phương pháp lọc máu cấp cứu.
Sau đợt điều trị tích cực, các chức năng thận của bệnh nhân Q. đã dần về trạng thái ổn định, sức khỏe được cải thiện hơn tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn gầy và suy kiệt cần được theo dõi và nâng cao thể trạng.
Sau khi ra viện, bệnh nhân được xếp lịch lọc máu chu kỳ để duy trì sự sống sau gần 10 ngày điều trị tích cực.
Qua khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhân chia sẻ, năm 2019 bệnh nhân phát hiện khi đi tiểu có mùi nước giải khai khác bình thường. Đi khám thì phát hiện suy thận độ 2, bệnh nhân được bác sỹ hướng dẫn dùng thuốc tại nhà và tái khám theo lịch để bảo tồn chức năng thận, ngăn bệnh tiến triển.
Tuy nhiên nửa năm gần đây, do được người nhà mách cho 1 số thầy lang chữa bệnh bằng thuốc nam, bệnh nhân bỏ thuốc tây, không tái khám định kỳ nữa.
Theo gia đình bệnh nhân sau lần đầu tiên sử dụng thuốc nam, bệnh nhân có đi khám thì chỉ số vẫn bình thường, tin tưởng có thể chữa khỏi bệnh, gia đình bệnh nhân tiếp tục bốc thuốc về cho bệnh nhân uống tiếp thì bắt đầu xuất hiện tình trạng lưỡi trắng bất thường, miệng đau loét không nuốt nổi.
Nghĩ là do không hợp thuốc, gia đình tiếp tục cắt thuốc ở 3 nơi khác nhau, thì tình trạng bệnh nhân không thuyên giảm mà tiếp tục tăng nặng, chỉ số ure, cretinin tăng chóng mặt cho đến khi thể trạng bệnh nhân suy kiệt không còn sự sống lúc đó gia đình mới cho bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa Đức Giang cấp cứu.
TS.Nguyễn Văn Tuyên Trưởng khoa Nội thận Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết chỉ gần 01 năm trở lại đây, khoa đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp suy thận mức độ nặng, tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn có liên quan tới việc uống thuốc nam.
Các triệu chứng của suy giảm chức năng ở thận khi ở các giai đoạn sớm thường không có triệu chứng đặc hiệu nên người bệnh dễ bỏ qua. Do đó, rất nhiều trường hợp người mắc bệnh suy thận không được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ nên dẫn đến việc điều trị ở giai đoạn muộn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng thuốc nam. Đặc biệt trên người bệnh thận mạn, chức năng thận vốn đã kém nên việc dùng các hoạt chất từ thuốc nam, ngay cả ăn uống thường ngày đều cần phải cẩn trọng để tránh tiến triển suy thận nặng hơn, TS Tuyên cho biết thêm.
Cảnh báo ngộ độc nặng, tử vong do ăn côn trùng
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho hay, bệnh nhân Đinh Sep, 27 tuổi, trú tại xã An Thành, huyện Đak Pơ) đã tử vong do ngộ độc.
Theo thông tin từ người nhà nạn nhân, trước đó trưa 6/8, anh Sep đã ăn 10 con sâu ban miêu. Sau khi ăn khoảng 30 phút, anh có biểu hiện đau bụng, nôn ói.
Chiều cùng ngày, gia đình đưa anh đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ, sau đó được chuyển lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ tại đây xác định anh Sep bị ngộ độc nặng dẫn đến suy thận, suy gan, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc tuy nhiên đã không qua khỏi.
Trước đó, tại tỉnh Sơn La, một bệnh nhân 72 tuổi ăn sâu ban miêu cũng bị ngộ độc nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng sốc, co giật toàn thân, suy hô hấp, nôn ra máu, loét miệng và tử vong sau đó 2 ngày.
Sâu ban miêu còn có các tên gọi khác như ban mao, ban manh, sâu đậu, nguyên thanh,... và có tên khoa học là Lytta vesicatoria Fabr, thuộc họ Ban miêu - Meloidae.
Sâu ban miêu là một loại bọ có hình dáng giống bọ xít thường được dùng để thoa ngoài da để điều trị mụn nhọt, ung độc, phồng rộp da. Tuy nhiên, nó cũng có độc tính cao có thể dẫn tới ngộ độc sâu ban miêu nếu dùng sai cách.
Theo y học cổ truyền, sâu ban miêu tính nhiệt, vị cay, có chứa độc, quy vào kinh đại trường, tiểu trường, dạ dày, gan và thận.