Theo bác sỹ Nguyễn Quang Huy, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, những năm gần đây, thủy đậu là một trong 5 bệnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất tại Việt Nam. Đây là bệnh truyền nhiễm, do vi rút Varicella Zoster gây ra và có thể bùng phát thành dịch.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh thủy đậu. Ảnh: Chí Cường |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 679 ca mắc thủy đậu. Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, tại tỉnh Yên Bái ghi nhận vụ dịch thủy đậu với 69 ca bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong.
Vi rút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp, không khí. Người dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi... Tất cả người chưa có kháng thể với vi rút đều có nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhiều người chủ quan khi cho rằng, người lớn không mắc thủy đậu. Nếu có nhiễm bệnh thì cũng tự khỏi và không để lại biến chứng. Thế nhưng, trên thực tế, khi mắc bệnh, tỷ lệ xảy ra biến chứng và tử vong cao hơn ở người lớn.
Trung tâm Bệnh nhiệt đới từng tiếp nhận điều trị cho nhiều người lớn mắc thủy đậu, trong đó đã ghi nhận nam thanh niên 32 tuổi tử vong do biến chứng viêm phổi, suy gan.
Thủy đậu ở người khỏe mạnh thường gây tổn thương các nốt phỏng trên da và sau 1-2 tuần sẽ khỏi, không để lại di chứng.
Các ca có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng thường xảy ra trên những cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền, dùng các thuốc ức chế miễn dịch.
Theo một số nghiên cứu về việc điều trị bệnh thủy đậu đối với người lớn, các trường hợp nặng và tử vong chiếm khoảng 10,4%. Đây là một tỷ lệ cao đối với bệnh đã có vắc xin điều trị.
Đặc biệt, thai phụ nhiễm thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do vi rút varicella chiếm từ 10-20%, trong số người viêm phổi do vi rút này, nguy cơ tử vong lên đến 40%.
Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.
Bác sỹ Nguyễn Quang Huy cũng lưu ý, các bệnh nhân có miễn dịch yếu, đang dùng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư, đang xạ trị hay bị đái tháo đường khi mắc thủy đậu sẽ dễ chuyển nặng và biến chứng.
Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nói thêm về bệnh thủy đậu, theo chuyên gia đây, các biểu hiện của thủy đậu bao gồm sốt, nhức mỏi, chán ăn, đau đầu, đau cơ, kèm với nổi ban đỏ phỏng nước ở da và niêm mạc (miệng, mắt, tiết niệu,…). Phỏng nước thường mọc ở vùng đầu mặt và thân mình trước, sau đó lan dần ra toàn thân.
Thủy đậu lây trực tiếp từ người sang người thông qua các giọt bắn đường hô hấp (nước bọt, dịch tiết mũi) khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện.
Ngoài ra, bệnh có thể lây thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch phỏng nước thủy đậu, hoặc gián tiếp thông qua cầm nắm các vật dụng có dính chất tiết phỏng nước.
Bệnh thường diễn tiến lành tính và bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiễm thủy đậu ở trẻ nhũ nhi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ diễn tiến nặng, biến chứng.
Các biến chứng nặng như viêm phổi nặng, viêm não- màng não, viêm khớp... có thể dẫn đến tử vong. Riêng phụ nữ mang thai nếu nhiễm thủy đậu có thể gia tăng tần suất sảy thai, đẻ non và đặt biệt là dị tật cho thai nhi.
Khi có các triệu chứng bệnh thủy đậu, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp. Đa số các trường hợp thủy đậu có thể được theo dõi và điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thuộc nhóm cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch) hoặc có biến chứng thủy đậu, thì sẽ được nhập viện để theo dõi sát và điều trị tích cực.
Bác sỹ Bắc đặc biệt lưu ý, khi bị thủy đậu, người bệnh không nên tự ý sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, nhất là các thuốc có chứa thành phần corticosteroid, làm tăng nguy cơ diễn biến nặng.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/potec cho hay, có bằng chứng cho thấy vắc-xin giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 3-5 ngày sau khi phơi nhiễm. Đặc biệt, mức độ hiệu quả của vắc-xin có thể đạt được 70-100% nếu tiêm trong vòng 72 giờ.
Bác sỹ Tuấn Hải khuyến cáo, trẻ nên được tiêm phòng để tạo sự miễn dịch chủ động đối với bệnh thủy đậu. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn không nên tiếp xúc gần với người chăm sóc hoặc người đang mắc bệnh thủy đậu. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh này, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán sớm.
Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, phụ huynh cần lưu ý ngoài việc hạ sốt và uống thuốc theo đơn bác sỹ, chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng. Nếu tổn thương da không chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, vết sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể bội nhiễm, gây nhiễm trùng các cơ quan khác.
Người bệnh cần giữ sạch sẽ các tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu bội nhiễm; tuyệt đối không bôi loại thuốc không rõ nguồn gốc lên các vết bóng nước. Bệnh thủy đậu không hạn chế tắm rửa, ngược lại, càng vệ sinh cơ thể sạch sẽ càng tốt.
Về dinh dưỡng, người bị thủy đậu cần ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, uống nhiều nước. Trong quá trình chăm sóc, nếu có sốt cao liên tục không hạ được kèm theo các dấu hiệu thần kinh như li bì, khó đánh thức, nôn, co giật, khó thở… người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.