Thời sự
Thu nhập 10 triệu đồng không phải nộp thuế TNCN
Mạnh Bôn - 28/06/2013 06:37
Khoảng 85% số người đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ không còn phải nộp thuế kể từ ngày 1/7/2013 khi Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực.
TIN LIÊN QUAN

“Đây là sự chia sẻ của Nhà nước với người dân trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thực tế của một bộ phận người dân bị giảm”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, PGS-TS Đinh Văn Nhã phát biểu.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, PGS-TS Đinh Văn Nhã

Thưa ông, mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/người sẽ tác động thế nào đến người dân?

Với mức giảm trừ gia cảnh này, 100% người nộp thuế ở bậc 1 hiện nay (chiếm 73% số người đang nộp thuế) và 72% số người đang nộp thuế ở bậc 2 (chiếm 15% số người đang nộp thuế) không còn phải nộp thuế TNCN nữa.

Những người nộp thuế TNCN còn lại cũng được giảm đáng kể số thuế phải nộp, do tăng mức giảm trừ gia cảnh.

Kể từ ngày 1/7/2013, người có thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng có 1 người phụ thuộc không phải nộp thuế TNCN, còn người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng có 1 người phụ thuộc chỉ phải nộp 120.000 đồng, tương đương 0,8% thu nhập...

Trong bối cảnh thu ngân sách luôn căng thẳng, nhu cầu chi tiêu, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển mỗi năm một tăng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên gấp 2,25 lần cho thấy, Nhà nước thực sự chia sẻ khó khăn với người dân.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức giảm trừ gia cảnh như Luật Thuế TNCN sửa đổi, năm 2013, ngân sách sẽ giảm thu 5.200 tỷ đồng, năm 2014 giảm thu 13.350 tỷ đồng. Vậy ông có lo ngại việc cân đối ngân sách nhà nước?

Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi sửa đổi, bổ sung một sắc thuế nào đó, Bộ Tài chính thường dự kiến số giảm thu thấp hơn thực tế. Vì vậy, tôi cho rằng, ngân sách hụt thu từ thuế TNCN lớn hơn con số mà Bộ Tài chính dự kiến.

Luật Thuế TNCN sửa đổi đã thể hiện tinh thần khoan sức dân trong ngắn hạn, nuôi dưỡng nguồn thu trong trung và dài hạn. Hy vọng, 2 - 3 năm nữa, thu nhập của người dân tăng, thì số người đóng thuế tăng và sẽ “trám” được số hụt thu.

Thực hiện Luật Thuế TNCN, nhiều người cho rằng, ngành thuế chỉ “nắm được người có tóc”, bởi tình trạng gian lận thuế, trốn thuế đối với thu nhập không thường xuyên rất lớn?

Để có thể “tóm” được những “kẻ trọc đầu”, vấn đề đặt ra là phải quản lý, kiểm soát được thu nhập, đặc biệt là thu nhập của những người làm nghề tự do như ca sỹ, bác sỹ, luật sư, vận động viên… Số lượng người hành nghề tự do không nhiều, vì thế, nếu ngành thuế quyết tâm, thì vẫn có thể quản lý được thu nhập của những đối tượng này.

Tuy nhiên, đối với khoản thu nhập không thường xuyên của những cá nhân khác, nếu không có biện pháp, thì rất khó quản lý.

Cụ thể, theo quy định, nếu chi trả thu nhập cho cá nhân từ 1 triệu đồng trở lên, cơ quan chi trả thu nhập tạm khấu trừ 10% để nộp vào ngân sách nhà nước. Quy định này tưởng là rất chặt, nhưng thực ra rất lỏng, trong khi đó, lại gây phiền hà cho người dân. Để né thuế và cũng để giảm phiền hà cho cơ quan chi trả, thay vì trả thu nhập 1 triệu đồng cho cá nhân, người ta trả 990.000 đồng. Hay thay vì trả thu nhập cho cá nhân 1 lần 4-5 triệu đồng, người ta chia ra thành 5 - 6 lần, bảo đảm mỗi lần chi trả có số tiền dưới 1 triệu đồng, để đỡ “mệt” cho cả cơ quan chi trả lẫn cá nhân có thu nhập.

Ngược lại, đối với tổ chức chi trả thực hiện đúng luật, tức là tạm khấu trừ 10% tổng số tiền nếu số tiền chi trả có trị giá từ 1 triệu đồng trở lên để nộp ngân sách, mà không cần biết cá nhân có thuộc đối tượng nộp thuế TNCN hay không lại gây phiền hà cho người dân. Bởi người dân phải thực hiện quyết toán thuế TNCN hoặc chấp nhận mất số thuế tạm khấu trừ cho dù tổng thu nhập trong năm của họ chưa đến mức phải nộp thuế (tổng thu nhập dưới 108 triệu đồng trong trường hợp không có người phụ thuộc).

Nếu cứ duy trì quy định này, thì quản lý khoản thu nhập không thường xuyên của cá nhân vẫn không kiểm soát được, ngân sách thất thu trong khi lại gây phiền hà, khó khăn cho người dân, thậm chí vô hình trung khuyến khích người ta lách luật.

Triển khai thuế TNCN luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Theo ông, ngành thuế phải làm gì để “thu đúng - thu đủ - thu kịp thời” tiền thuế?

Thu ngân sách nhà nước không phải là việc riêng của ngành thuế, ngành hải quan hay ngành tài chính, mà là trách nhiệm của tất cả các bộ ngành, địa phương. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích chính sách thuế, cơ quan quản lý thuế phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, cũng như phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành Luật Thuế TNCN.

Để tránh thất thu thuế, gian lận thuế, đồng thời tránh tình trạng ùn tắc trong quyết toán thuế, bảo đảm người dân không nộp quá số tiền thuế đáng phải nộp, thì ngành thuế phải nhanh chóng hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quyết toán thuế, hoàn thuế cho người dân.

Tin liên quan
Tin khác