Đầu tư Phát triển bền vững
Thu nhập bình quân của nhiều hợp tác xã nông nghiệp có xu hướng tăng
D.Ngân - 12/07/2024 09:36
Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ các hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng có xu hướng tăng lên, tạo ra cơ hội xuất khẩu cho hợp tác xã, giúp thành viên yên tâm sản xuất vì có đầu ra và giá cả ổn định.

Theo số liệu thống kê, 63,2% hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thích ứng, tích cực trong nâng cao năng lực, đầu tư kinh phí, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua đổi mới hệ thống quản trị gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý (kế toán, quản lý sản xuất của các thành viên).

Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ các hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng có xu hướng tăng lên, tạo ra cơ hội xuất khẩu cho hợp tác xã, giúp thành viên yên tâm sản xuất vì có đầu ra và giá cả ổn định.

Chuyển đổi số trong quản lý tổ chức sản xuất từ đầu vào tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao (tưới nhỏ giọt, lò sấy trống, chế biến cà phê ướt...), sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ sản phẩm (OCOP, hữu cơ, GlobalGap,VietGAP...); sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng, miền, địa phương nhằm thích ứng xu hướng thị trường.

Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ các hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng có xu hướng tăng lên, tạo ra cơ hội xuất khẩu cho hợp tác xã, giúp thành viên yên tâm sản xuất vì có đầu ra và giá cả ổn định.

Các hợp tác xã đã tham gia, đóng góp có hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo nhất là trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, chương trình OCOP, và hàng hóa chủ lực của địa phương.

Điển hình, tỉnh Đồng Nai có 202 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (145 chuỗi trồng trọt, 42 chuỗi chăn nuôi, 7 chuỗi thủy sản và 8 chuỗi lâm nghiệp) với sự tham gia của 64 hợp tác xã (trong và ngoài tỉnh) liên kết kết với 101 doanh nghiệp, 35 cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh và hơn 13.594 hộ sản xuất, trang trại.

Bắc Giang với chuỗi giá trị sản phẩm như: Mỳ chũ ăn kiêng, bánh quế ông Phú, bún khô Đa Mai, rượu Vân Hương, bánh đa Kế, chè xanh Bản Ven, trà cà gai leo, trà hoa vàng...

Tại nhiều địa bàn khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mô hình hợp tác xã có vai trò quan trọng trong kết nối các thành viên, định hướng, thay đổi hoặc kết hợp phương thức sản xuất canh tác truyền thống gắn với công nghệ mới, khai thác thế mạnh và lợi thế vùng, địa phương cũng như tri thức bản địa nhằm giúp phát triển kinh tế xã hội địa phương, giảm nghèo và tạo việc làm bền vững.

Điển hình, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng (Kiên Giang) hỗ trợ đa số thành viên người dân tộc Khmer, hợp tác xã chè Tân Lập (Sơn La) hỗ trợ đa số thành viên nữ là dân tộc Mông, hợp tác xã Thiên Ân (Bắc Kạn) hỗ trợ đa số thành viên người dân tộc Dao...

Thống kê có 1.274 mô hình hiệu quả trong trồng cây dược liệu, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, mô hình gia trại, trang trại nấm, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư, mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Thu nhập bình quân nhiều hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước tăng, đạt 300 - 500 triệu đồng/ha. Chẳng hạn, hợp tác xã rau quả Tân Minh Đức, hợp tác xã Âu Việt Farm, hợp tác xã liên kết chuỗi nông sản CocoFood (Hải Dương), hợp tác xã chăn nuôi Thỏ Việt Nhật, hợp tác xã Quang Tiến - Thuận Thành (Bắc Ninh), hợp tác xã Tả Phìn Xanh (Lào Cai), hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thương mại Phương Nam (Hậu Giang)...

Khoảng 60% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. 60,4% hợp tác xã nông nghiệp liên kết chặt chẽ hơn với các hợp tác xã thương mại, hợp tác xã giao thông vận tải, hợp tác xã du lịch trong tiêu thụ sản phẩm thông qua phương thức thương mại điện tử (Facebook, Zalo, fanpage, group, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart...); tham gia các trang bán hàng điện tử của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và 63 Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố); Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho quốc hội, trường học, nhà hàng, các cửa hàng bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm trực tiếp, hội chợ xúc tiến thương mại; giúp ổn định doanh thu và tăng thu nhập đối với thành viên hợp tác xã.

Một số hợp tác xã nông nghiệp có sản phẩm xuất khẩu; một số hợp tác xã có doanh thu tăng 5,7-26,7% như hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), hợp tác xã Trường Anh, Lộc Rừng, Thắng Lợi… (Cao Bằng), hợp tác xã nông sản hữu cơ Trúc Phương (Thanh Hóa); hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Thăng Long (Hải Dương), hợp tác xã công nghệ cao Kim Long (Bình Dương), hợp tác xã Sunfood (Đà Lạt),…

Theo lãnh đạo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng chung của hầu hết các lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã phi nông nghiệp đều tăng doanh thu 0,2-1,4% so với cùng kỳ năm 2023 (hợp tác xã xây dựng, hợp tác xã giao thông vận tải, hợp tác xã chợ, hợp tác xã sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng).

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các lĩnh vực hợp tác xã phi nông nghiệp quý II cao hơn quý I từ 0,9-9,2%. Các loại hình hợp tác xã phi nông nghiệp tập trung trong đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh nhằm thích ứng yêu cầu thị trường; tỷ lệ hoạt động hiệu quả đạt 56%.

Để có được những kết quả nêu trên, theo đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thời gian qua, cơ quan này đã tiến hành tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023; làm việc với Bộ Tài chính về việc xây dựng chế độ kế toán phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023;

Tổ chức tuyên truyền trong toàn hệ thống về Luật hợp tác xã năm 2023; tổng hợp, báo cáo Ủy Ban thường vụ Quốc hội các đề xuất, kiến nghị của cử tri khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã về những bất cập của cơ chế, chính sách đối với hợp tác xã (quý I);

Tham gia điều tra, thống kê về nông nghiệp và biên soạn số liệu GDP loại hình kinh tế tập thể; xây dựng 49 báo cáo, tham gia ý kiến với các ban, bộ, ngành, địa phương về xây dựng chính sách liên quan đến phát triển kinh tế tập thể...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về phát triển kinh tế tập thể; Đẩy mạnh tư vấn hỗ trợ, cung ứng dịch vụ nhất là tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

Cụ thể, về xúc tiến thương mại: Tổ chức các Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 (khu vực miền Bắc và Miền Trung Tây Nguyên); hỗ trợ một số hợp tác xã xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Liên minh Hợp tã xã đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như tổ chức 23 lớp đào tạo bồi dưỡng cho 985 lượt học viên là cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã.

Về hỗ trợ vốn: Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam tư vấn hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ vay vốn cho các hợp tác xã một số tỉnh tp; ký 54 hợp đồng tín dụng (24 dự án trung dài hạn và 30 hạn mức vốn lưu động) với số tiền ước đạt 241 tỷ đồng (trung dài hạn: 96 tỷ, ngắn hạn: 145 tỷ); giải ngân 67 dự án (32 dự án trung dài hạn và 35 hạn mức vốn lưu động) với số tiền ước đạt 257 tỷ đồng (trung dài hạn: 120 tỷ đồng, ngắn hạn: 137 tỷ đồng), ước dư nợ đến 30/6 là 630 tỷ đồng;

Tổ chức tập huấn về xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường; Quỹ địa phương cho 245 hợp tác xã vay với số tiền 97,842 tỷ đồng; 61 hợp tác xã vay với số tiền 7,627 tỷ đồng từ Quỹ cho vay giải quyết việc làm; triển khai tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xây dựng website, tập huấn chuyển đổi số….;

Về hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã và xây dựng mô hình: Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố tư vấn hỗ trợ thành lập mới 706 hợp tác xã, một số tỉnh thành lập mới nhiều hợp tác xã như: Quảng Ninh (60 hợp tác xã), Hà Nội (50 hợp tác xã), Quảng Bình (45 hợp tác xã), Đắc Lắc (33 hợp tác xã), Yên Bái (25 hợp tác xã); 38 hợp tác xã được hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm khai thác các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã như tiếp tục triển khai chương trình, biên bản đã ký kết; phối hợp với Tổ chức Agriterra, DGRV… triển khai nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ, đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã cho hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam;

Phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức các Hội thảo, Diễn đàn về "Nâng cao nhận thức về Luật hợp tác xã năm 2023, động lực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, “Kinh tế tập thể với vấn đề công bằng xã hội”; dịch và in 1.000 cuốn Luật hợp tác xã tiếng việt và tiếng anh;

Xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức thực hiện dự án “Thanh niên trong các hợp tác xã “Thanh niên trong các hợp tác xã là chủ thể của chuyển đổi số tại cộng đồng địa phương” do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ giai đoạn 2024-2027.

Tổ chức thành công chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hàn Quốc và 4 đoàn công tác; làm việc với 9 đoàn khách quốc tế trao đổi về quan hệ hợp tác với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong thời gian tới; thủ tục xin phép đăng cai 3 sự kiện của Liên minh hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AFGC) năm 2025.

Tin liên quan
Tin khác