Chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại các đô thị lớn, đông dân như Hà Nội, TP.HCM là đúng đắn và cần thiết, xuất phát từ yêu cầu phát triển vì một thành phố xanh, hiện đại. |
Có thể chia những ý kiến không đồng thuận với đề xuất chính sách trên thành một số dạng: chính quyền đang đẩy khó cho người dân; đề xuất nóng vội; có tính khả thi không cao, không giải quyết được bản chất vấn đề ùn tắc giao thông; gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước…
Một thực tế không thể phủ nhận, đó là cách truyền thông của hai thành phố đối với chủ trương này chưa tốt là một trong những lý do khiến người dân hiểu chưa đúng bản chất vấn đề khi các đề xuất đều khẳng định, đây chỉ là một trong những giải pháp tổng thể để hạn chế ùn tắc giao thông; dự kiến triển khai sau 10 - 15 năm nữa, khi hệ thống giao thông công cộng phát triển, đủ sức đảm đương nhiệm vụ.
Cần phải nói thêm rằng, chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại các đô thị lớn, đông dân như Hà Nội, TP.HCM là đúng đắn và cần thiết, xuất phát từ yêu cầu phát triển vì một thành phố xanh, hiện đại. Đây cũng là giải pháp cưỡng bức mang tính kinh điển để giải quyết ùn tắc giao thông tại hầu hết đô thị lớn trên thế giới trong điều kiện quỹ đất, nguồn lực tài chính không đủ thỏa mãn tốc độ tăng trưởng xe cá nhân.
Song, đề xuất thu phí ô tô vào nội đô của Hà Nội và TP,HCM có nhận được sự ủng hộ của người dân hay không phụ thuộc vào việc trả lời các câu hỏi: Thu phí để làm gì? Thu với đối tượng nào? Thu phí có giúp giảm bớt phương tiện ô tô cá nhân lưu thông vào trung tâm giờ cao điểm? Tiền thu được sử dụng vào mục đích gì, chi tiêu như thế nào?
TP. HCM đề xuất dùng nguồn thu này hỗ trợ phát triển vận tải công cộng và chi cho bảo trì đường bộ để duy trì chất lượng các tuyến đường tốt hơn, nhưng chưa rõ mức chi là bao nhiêu. Điều này cần được nghiên cứu sâu hơn.
Có một thực tế là lâu nay, mỗi khi có đề xuất thu phí từ cơ quan quản lý nhà nước, người dân luôn có tâm lý đặt câu hỏi rằng, tiền đó vào túi ai? Nếu chúng ta làm rõ việc thu phí giúp cải thiện chất lượng giao thông như thế nào; nguồn thu được đầu tư trở lại hệ thống hạ tầng giao thông và vận tải công cộng ra sao; đồng thời minh bạch, công khai nguồn thu đó cũng như cách chi tiêu, thì người dân sẽ ủng hộ.
Trong vai trò quản lý nhà nước, mỗi thành phố cần có kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ giải pháp hạn chế xe cá nhân và phát triển vận tải công cộng. Hai hướng đó phải làm song song. Có nghĩa, khi hạn chế bao nhiêu xe cá nhân, thì phải nâng cấp được vận tải công cộng lên ngần đó để tiếp nhận, bù đắp nhu cầu chuyển đổi từ xe cá nhân sang vận tải công cộng. Nếu không phát triển vận tải công cộng, mà hạn chế xe cá nhân, thì không thể khả thi, vì không có phương tiện thay thế.
Rất nhiều khó khăn, phức tạp đang chờ, đòi hỏi phải đồng thuận cao trong thực thi, phải minh bạch trong các chính sách. Nhưng nếu không khẩn trương, quyết tâm, thì sẽ không bao giờ thay đổi được diện mạo và giải quyết được cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị. Trong bối cảnh đó, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân Thủ đô và TP.HCM cũng phải chung tay, hợp tác cùng chính quyền để thay đổi quan niệm và các thói quen sinh hoạt.
Đây là những vấn đề bức xúc nhất của đời sống đô thị, đặt ra với không chỉ Hà Nội, TP.HCM, mà với nhiều thành phố lớn khác trong tương lai không xa.