- Công bố kết quả kiểm tra, giám sát trạm thu phí BOT số 1 trên Quốc lộ 5
- Dịp 30/4 và 1/5, xả trạm thu phí BOT nếu để xảy ra ùn tắc kéo dài
- Công bố kết quả giám sát và kiểm tra đột xuất việc thu phí Trạm thu phí BOT Ninh Lộc – Khánh Hòa
- Điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng hầm đường bộ tại Trạm thu phí BOT Đèo Cả
- Trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ hoạt động trở lại với mức phí giảm tới 60%
. |
Cần phải nói thêm rằng, ký phụ lục Hợp đồng BOT chỉ là một trong những bước đi quan trọng nhất để công tác triển khai hoạt động thu phí tự động không dừng được triển khai trên thực địa - công việc vốn gần như bị dậm chân tại chỗ suốt một năm trở lại đây.
Trên thực tế, cả Bộ GTVT, đơn vị cung cấp dịch vụ và hơn 60 nhà đầu tư BOT, bao gồm các dự án đã và đang được triển khai trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 15; 6 tuyến đường bộ cao tốc đều không còn đường lùi trong việc triển khai thu phí tự động không dừng nếu chiểu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải triển khai thu phí theo hình thức thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm BOT.
Chủ trương này được người đứng đầu Chính phủ đưa ra với mục tiêu lớn nhất là đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông và đảm bảo minh bạch trong quá trình thu phí sử dụng đường bộ.
Cần phải nói thêm, thời gian qua, không ít dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, mà một trong những nguyên nhân cơ bản xuất phát từ những nghi vấn liên quan đến sự thiếu minh bạch, thất thoát trong quá trình thu phí tại một số dự án.
Thực tế đã xảy ra những trường hợp nhân viên thu phí biển thủ phí sử dụng đường bộ đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, trong đó mới nhất là hành vi “Mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế” tại các trạm thu phí trên cao tốc TP. HCM - Trung Lương; vụ nhân viên kế toán chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng tiền thu phí tại trạm thu phí BOT T2, Quốc lộ 91 đem đi đánh bạc là ví dụ điển hành.
Bước sang thời kỳ khoa học công nghệ 4.0, tất cả những dịch vụ theo kiểu “thô sơ” sẽ trở nên lạc hậu, cũ kỹ, nhường chỗ cho công nghệ hiện đại phát triển. Thu phí tự động không dừng chính là giải pháp minh bạch, đảm bảo đúng quyền lợi của cả ba nhà: Nhà đầu tư, Nhà nước và người dân, loại bỏ những nghi ngờ về khả năng doanh nghiệp để các khoản thu ngoài sổ sách. Khi thực hiện thu phí không dừng, tất cả những lo ngại của dư luận xã hội lâu nay về tính thiếu minh bạch của khoản phí này sẽ được giải tỏa, bởi dòng tiền được kiểm soát chặt chẽ, không còn đất cho những đối tượng có ý tư lợi. Khi đó, lợi ích được cân bằng cho cả bên cung ứng dịch vụ cũng như bên sử dụng dịch vụ đường bộ.
Đối với các nhà đầu tư BOT, việc triển khai thu phí tự động không dừng có thể phát sinh ít nhiều chi phí trong giai đoạn đầu, nhưng với tính ưu việt của dịch vụ này, về lâu dài, họ sẽ giảm bớt chi phí nhân công, tránh được thất thoát, rơi vãi từ hoạt động thu phí. Quan trọng hơn, việc triển khai thu phí tự động không dừng là cách giúp nhà đầu tư BOT tự chứng minh sự công khai, minh bạch của mình đối với người tham gia giao thông và dư luận xã hội, tránh tình trạng “sửa dép khi qua ruộng dưa”, “một mất, mười ngờ” như hiện nay.
Bên cạnh đó, từ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT trong vấn đề này, dư luận xã hội kỳ vọng những bất cập liên quan đến các trạm thu phí BOT lâu nay sẽ được giải tỏa, tạo niềm tin, sự đồng thuận của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp giải tỏa tâm lý bị nhà đầu tư “ăn chặn” mỗi lần điều khiển phương tiện qua trạm thu phí BOT.