Điều thô chỉ đáp ứng 30% nhu cầu chế biến
Thống kê từ UBND tỉnh Bình Phước cho thấy, đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm điều, chiếm 70% số doanh nghiệp và chiếm 50-80% năng lực chế biến hạt điều cả nước.
Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp rót vốn vào đã khiến Bình Phước trở thành địa phương tập trung nhiều nhất các nhà máy, cơ sở chế biến điều với quy mô, công nghệ ngày càng chuyên môn, hiện đại.
Điều thô không đủ cung ứng cho sản xuất, chế biến sâu. |
Mới đây nhất vào ngày 11/5 tại huyện Đồng Phú, Bình Phước đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến nông sản và thực phẩm Bà Tư Bình Phước với mức vốn 6,5 triệu USD. Đây là nhà máy chế biến hạt điều xanh lớn nhất Việt Nam do Tập đoàn Gia Bảo làm chủ đầu tư với mục tiêu biến nhà máy thành một trung tâm chế biến nông nghiệp xanh tại thủ phủ điều Bình Phước, qua đó, tạo cơ hội phát triển giá trị nông sản nói chung và các sản phẩm hạt điều đặc sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh thành lân cận.
Tỷ lệ và tốc độ doanh nghiệp đầu tư dự án, nhà máy chế biến, sản xuất liên tục tăng đã kéo theo nhu cầu sử dụng nhân điều thô gia tăng mạnh.
Theo ước tính từ các chuyên gia đầu ngành và các doanh nghiệp điều Bình Phước, sản lượng điều thô trên địa bàn hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, 70% còn lại phải nhập khẩu từ châu Phi, Campuchia, Indonesia.
Còn theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), nguồn cung điều thô hiện chỉ khoảng 300.000 tấn/năm trong khi nhu cầu sản xuất lại cao hơn gấp nhiều lần.
Như vậy, việc các doanh nghiệp Bình Phước đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến nhân điều trong nhiều năm qua cùng với việc cơ giới hóa, tự động hóa được nâng cao đã dẫn tới tổng công suất chế biến điều trên địa bàn tỉnh đã vượt rất xa so với năng lực sản xuất, cung ứng điều thô.
Cần sớm quy hoạch vùng nguyên liệu
Thống kê từ phía UBND tỉnh Bình Phước, cây điều được trồng tập trung tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú với tổng diện tích hơn 152.000 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng cung ứng điều thô trên địa bàn sụt giảm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, niên vụ 2023-2024, nắng nóng kéo dài liên tục khiến năng suất nhiều vườn điều trong giai đoạn ra hoa đậu trái giảm thấp nhất trong 4 năm vừa qua. Năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 10,5 tạ/ha, giảm 1 tạ/ha so với năm trước.
Đáng chú ý, diện tích vườn điều già cỗi, trồng bằng giống cũ năng suất thấp chiếm tỷ lệ cao trên 70% so với tổng diện tích điều trên toàn tỉnh Bình Phước là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp.
Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất điều ít thích nghi và không thích nghi cũng chiếm hơn 70.000 ha.
Ngoài ra, đa số người dân trồng điều đều thiếu hoặc không có vốn đầu tư, nhận thức về việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất điều chưa cao, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo…
Thực trạng trên khiến diện tích trồng điều thu hẹp dần, dẫn đến thiếu nguồn cung. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã tích cực kêu gọi sự chung tay kết hợp giữa các doanh nghiệp với bà con trồng điều nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu điều trong thời gian tới.
Tỉnh cho biết sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư, hỗ trợ tài chính đầu tư hạ tầng kỹ thuật của ít nhất 2 cụm công nghiệp chế biến sản phẩm điều theo hướng cụm ngành; thu hút các doanh nghiệp sản xuất hạt điều lớn, chế biến sâu vào cụm công nghiệp, từ đó tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến điều để thành cụm liên kết sản xuất tập trung, ổn định, đạt chuẩn, có khả năng liên kết tỉnh và các vùng lân cận đảm bảo đủ năng lực dẫn dắt thị trường. Song song với đó là thành lập kho ngoại quan, chợ nông sản tại tỉnh Bình Phước để phục vụ hoạt động kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu mặt hàng điều.
Về phía doanh nghiệp, bên cạnh hợp tác thu mua điều thô, doanh nghiệp sẽ có các cam kết hỗ trợ về giống mới, vốn, chi phí sản xuất, kỹ thuật canh tác…nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và chất lượng cho bà con nông dân.